Nặng tình với chiếu

21/11/2018 - 06:43

 - Trong khi các sản phẩm truyền thống khác đang đối mặt với sự đào thải của thời gian thì sản phẩm chiếu uzu vẫn phát triển ổn định. Với người theo nghề, manh chiếu không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là tình cảm gắn bó sâu nặng với truyền thống đã gắn liền cùng đời sống người dân châu thổ.

Tiếng máy dệt lạch tạch rải đều trong không gian, những nụ cười hồn hậu và sự thân tình của người dệt chiếu tạo nên ấn tượng đẹp khi chúng tôi đến thăm “xóm chiếu” ở ấp An Hưng, thị trấn An Phú (An Phú). Giữa không khí thoáng đãng của buổi chiều lộng gió bên bờ sông Hậu, anh Huỳnh Trường Huân (chủ cơ sở sản xuất chiếu Tân Châu Long) từ tốn kể lại quá trình hình thành “xóm chiếu” này.

“Thật ra, ở đây không phải “xóm chiếu” mà chỉ là các hộ trong xóm đến làm thuê cho gia đình tôi. Họ làm đủ công đoạn, từ lựa cói, phơi cói, nhuộm màu, dệt chiếu cho đến may gia công hay làm các sản phẩm thủ công. Thường ngày, cơ sở của gia đình thuê trên dưới 40 lao động nên có thể nói cả xóm cùng làm chiếu. Tôi về đây mở cơ sở dệt chiếu hơn 15 năm cũng ngần ấy thời gian cái xóm nhỏ này gắn bó với khung dệt và sợi cói”- anh Huân thật tình.

Nặng tình với chiếu

Nụ cười hồn hậu nơi “xóm chiếu”

Nói về nghề dệt chiếu, anh Huân cho biết mình vốn là rể của ông Lê Văn Tho, chủ cơ sở sản xuất chiếu Tân Châu Long (phường Long Châu, TX. Tân Châu). Sau khi học nghề, anh cùng vợ về thị trấn An Phú phát huy truyền thống gia đình. Thương hiệu chiếu Tân Châu Long xuất phát từ tên ghép giữa TX. Tân Châu và phường Long Châu, nơi gia đình ông Lê Văn Tho gắn bó với nghề dệt chiếu. Đến nay, anh cùng người vợ Lê Thị Phương Thảo đã tốn biết bao tâm huyết để đưa chiếc chiếu uzu vươn đến những thị trường tiềm năng như: Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ…

Nặng tình với chiếu

Anh Huân giới thiệu các sản phẩm từ chiếu

Với đặc tính dai, bền, mặt chiếu mát lạnh, hoa văn đẹp và có thể xếp gọn lại khi cần thiết, chiếu Tân Châu Long đã chinh phục được những khách hàng khó tính. Hiện nay, gia đình anh Huân sản xuất cả 2 loại chiếu cói và chiếu uzu với nguồn nguyên liệu lấy từ Campuchia và Trà Vinh. Với sự hỗ trợ của Sở Công thương và ngành chuyên môn, anh Huân đã đưa sản phẩm đến tiếp thị tại nhiều hội chợ trong, ngoài nước và nhận được tín hiệu rất khả quan.

“Hiện nay, khách hàng từ các nơi đặt chiếu khá nhiều, chủ yếu là chiếu manh để làm các sản phẩm thủ công xuất khẩu. Gia đình tôi nắm được lợi thế đó nên sản xuất nhiều sản phẩm thủ công như: ví, dép, nón cùng các sản phẩm khác. Những lao động trong cơ sở dần hoàn thiện kỹ năng nên các sản phẩm làm ra rất vừa lòng khách hàng”- anh Huân cho hay.

Với những lao động địa phương, họ đã gắn bó với nghề dệt chiếu từ thuở làm tay cho đến khi sử dụng máy móc nên mùi hương sợi cói đã trở nên thân thuộc tự bao giờ. Nhiều người có thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khởi sắc hơn.

Chị Lê Thị Phương Thảo cho biết, đối với mỗi lao động trong cơ sở, gia đình phải bỏ công hướng dẫn nghề một thời gian dài mới có thể dệt chiếu. Do đó, chị rất quý những chị, em trong xóm đến dệt chiếu với mình. Những người không có “hoa tay” thì có thể làm công việc phơi cói, nhuộm màu hay vệ sinh chiếu. Tất cả đều tham gia để làm ra chiếu uzu nổi tiếng của xứ đầu nguồn.

Nặng tình với chiếu

Gia công chiếu uzu

Thời điểm này, chị Thảo đã tất bật nhập nguyên liệu, kêu gọi nhân công để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết. Dù máy móc được cải tiến và mỗi lao động có thể dệt hơn 10 lá chiếu/ngày nhưng vẫn không đủ hàng giao cho khách. Đó là niềm vui cho gia đình chị Thảo và là sự phấn khởi cho những lao động ở cái “xóm chiếu” này, bởi họ sẽ có nguồn thu khá hơn trong những ngày Tết đến xuân về.

“Mong mỏi của tôi là được ngành chuyên môn hỗ trợ lớp dạy nghề dệt chiếu cho lao động địa phương. Từ đó, gia đình mới có thể mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho bà con, chứ tôi phải tự đào tạo thì rất khó. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục phát huy truyền thống dệt chiếu của gia đình, để chiếc chiếu Tân Châu Long có thể vươn mình đến với khách hàng khắp mọi nơi”- chị Lê Thị Phương Thảo chia sẻ.

THANH TIẾN