NASA công bố vật thể 'xuyên không' kỷ lục từ nơi vũ trụ ra đời

19/11/2022 - 14:52

Ánh sáng từ hai vật thể ra đời trên dưới 13,4 tỷ năm về trước lần đầu tiên lọt vào kính thiên văn của người Trái Đất.

Theo Sci-News, đó là hai thiên hà cổ đại mang tên GLASS-z12 và GLASS-z10, được ghi nhận từ hai chương trình quan sát nhắm vào nơi xa xưa nhất của vũ trụ là GLASS-JWST và CEERS.

Chúng nằm trong khu vực gọi là cụm Hubble Frontier Fields Abell 2744, một nhóm gồm khoảng 500 thiên hà cổ đại còn có biệt danh là "Chiếc hộp Pandora" bởi từ lâu đã được xác định là nơi chứa đựng những bí ẩn quãng thời gian "sơ sinh" của vũ trụ, từ những dữ liệu sơ bộ mà kính viễn vọng không gian Hubble của NASA ghi nhận.

Hình ảnh ngoạn mục mà NASA công bố, ghi nhận hai vật thể thú vị, là những thiên hà cổ nhất từng được tìm thấy. (Ảnh: NASA)

Trong các nhiệm vụ quan sát mới, các nhà khoa học đã sử dụng bộ dữ liệu chi tiết hơn rất nhiều từ siêu kính viễn vọng James Webb, là kính viễn vọng không gian mạnh nhất hiện nay được điều hành chính bởi NASA và hỗ trợ bởi ESA và CSA (cơ quan vũ trụ của châu Âu và Canada).

Đại diện cho nhóm James Webb tại NASA trong một cuộc họp báo vừa được tổ chức, nhà thiên văn học Garth Illingworth từ Trường Đại học California ở Santa Cruz công bố một hình ảnh cho thấy vô số thiên hà rải rác khắp không gian, trong đó hai thiên hà cổ đại nói trên hiện ra rõ ràng.

Theo Space, kính viễn vọng mặt đất hàng đầu thế giới ALMA đã được huy động để nhìn sâu vào hai vật thể James Webb vừa được phát hiện. Dữ liệu vô tuyến của ALMA đã giúp xác định đó đúng là những thiên hà và có tuổi đời chính xác như công bố nói trên.

Cụm thiên hà nói trên cách chúng ta khoảng 4 tỷ năm ánh sáng, tức chúng ta đang nhìn thấy chúng không chỉ xuyên không gian xa xôi mà còn vượt cả thời gian 4 tỷ năm: Là hình ảnh trẻ trung hơn của 4 tỷ năm trước, bởi ánh sáng mất từng đó thời gian mới "cập bến" Trái Đất.

Theo tiến sĩ Illingworth, việc tìm ra những thiên hà này đã mở đường cho một "cuộc chơi mới", giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc xác nhận giả thuyết lâu đời rằng những ngôi sao đầu tiên đã ra đời sau Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ chỉ 200 triệu năm, tức thời điểm 13,6 tỷ năm trước.

Vụ nổ Big Bang được ước tính xảy ra 13,8 tỷ năm trước, tức hai thiên hà cổ đại vừa được tìm thấy đã ra đời trên dưới 13,4 tỷ năm.

Chi tiết về các phát hiện đã được mô tả trong hai bài báo khoa học, đăng tải trên The Astrophysical Journal Letters hôm 17 và 18/11.

Theo Người Lao Động