Nét đẹp mùa Vu Lan báo hiếu

15/08/2019 - 07:44

 - Lễ Vu Lan diễn ra vào dịp rằm tháng 7 hàng năm là lễ hội văn hóa tâm linh đã có từ lâu đời trong truyền thống dân tộc. Dịp này, phật tử không chỉ đến chùa mà còn tích cực làm các việc thiện vì cộng đồng với tâm nguyện dành công đức đó cầu siêu cho ông bà, cha mẹ đã khuất hoặc cầu bình an, mong cha mẹ hiện tại đong đầy sức khỏe, được an vui giữa bộn bề của cuộc sống.

Nét đẹp mùa Vu Lan báo hiếu

Nghi thức mừng thọ đối với ông bà được nhiều chùa đưa vào nội dung lễ Vu Lan

Vu Lan là tên gọi ngày lễ lớn của các tăng, ni, phật tử trong Phật giáo, tích báo hiếu xuất phát trong bản kinh Vu Lan, ngài Mục Kiều Liên đại hiếu đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ một triết lý của nhà Phật, đến nay, giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc. Lễ Vu Lan in đậm trong tâm thức của mỗi người, trở thành biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng thể hiện đúng truyền thống uống nước nhớ nguồn, đề cao chữ “Hiếu”. Mùa Vu Lan diễn ra trong tháng 7 âm lịch, tại các chùa, tịnh xá thu hút rất nhiều phật tử tham gia khóa lễ, nghe kinh, cúng dường các chư tăng, ni. Đông đảo phật tử còn góp tịnh tài, công sức cùng tổ chức buổi lễ trang trọng, trong đó các chùa có tổ chức lễ sẽ vận động phật tử tặng quà cho hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ em hoàn cảnh khó khăn… hoặc đóng góp kinh phí cất nhà Tình thương, thả chim, cá phóng sinh… Những năm gần đây, nhiều ngôi chùa chú trọng việc tổ chức lễ với nội dung hạn chế rườm rà, lãng phí, nhấn mạnh ý nghĩa và hành động “tạ ơn” của con cái đối với ông bà, cha mẹ. Đáng chú ý là nội dung chúc thọ, phát biểu cảm nghĩ và lòng biết ơn của phật tử đối với cha mẹ. Một trong những hoạt động ý nghĩa của mùa Vu Lan là lễ cài hoa hồng và thắp nến tri ân. Với những ai cha mẹ đã khuất, bông hồng màu trắng là sự thành tâm cầu siêu cho cha mẹ, còn bông hồng màu đỏ dành cho những ai còn cha, còn mẹ, nhắc nhở chúng ta làm sao để cha mẹ luôn vui lòng, sống hạnh phúc.

Các vị sư truyền đạt lại ý nghĩa ơn đức trong Phật giáo, đó là ơn cha mẹ, ơn tam bảo, ơn Tổ quốc, ơn chúng sanh… Đặc biệt, còn giáo dục, nhắc nhở phật tử hiểu đúng cách trả hiếu đối với ơn trên, không được quan niệm “trần sao âm vậy” lạm dụng đốt vàng mã, tổ chức nghi thức cúng theo lời chỉ bảo hoặc tại nhà với những mục đích mê tín. Lễ bái dịp rằm tháng 7 không câu nệ lễ vật, mà quan trọng là tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chuyển nguồn công đức đó làm từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn hơn trong xã hội. Chị Nguyễn Thanh Xuân (TP Long Xuyên) chia sẻ: “Năm nào đến dịp Vu Lan tôi cũng vào chùa tụng kinh, được nghe về ý nghĩa lễ, công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Trong cuộc sống ngày nay, nhiều khi con cái rất ngại nói một lời yêu thương, lời cảm ơn hay một hành động mang ý nghĩa dành cho cha mẹ của mình. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng xa hơn bởi công việc, quan điểm sống, tư tưởng hoặc những bất đồng giữa các thế hệ. Chỉ khi “vào vai” cha mẹ chúng ta mới thấy, nuôi 1 đứa con trưởng thành thật không kể hết được những công lao. Từ đó mà biết trân trọng những cơ hội sống hạnh phúc khi còn cha mẹ đầy đủ, trân trọng những việc làm có ích, biến những lời giáo lý thành hành động báo hiếu cha mẹ, với Tổ quốc, dân tộc và cộng đồng xã hội”.

Mùa Vu Lan báo hiếu đồng thời là dịp để mỗi người thể hiện sự yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm tới những số phận xung quanh mình. Hàng năm, không chỉ phật tử theo đạo Phật, mà tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cũng hưởng ứng làm các việc thiện, đặc biệt cùng nhau tổ chức nhiều đợt thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi tự nhiên. Nhiều nơi tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào nghèo, trẻ em mồ côi, người già, tàn tật… Những việc làm này còn hướng con người đến cái thiện, mở rộng tấm lòng san sẻ với cộng đồng, sống vị tha, thay mặt cha mẹ trả ơn đáp nghĩa cho đời. Chị Thu Hiền (Châu Phú) tâm sự: “Mỗi người góp một việc nhỏ theo cách khác nhau để thể hiện tấm lòng hiếu đạo, nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu hành động mang lại lợi ích cho cả người đã khuất và người còn đang sống”. Với suy nghĩ này, năm nào chị Hiền cũng dành một phần kinh phí góp chung với các phật tử để mua gạo, mì, nước tương, hoa quả… và dành thời gian đến chùa cùng gói gém các phần quà chu đáo trao cho các hộ nghèo.

Báo hiếu luôn là nét đẹp của dân tộc và trở thành trách nhiệm, bổn phận của đạo làm con – một nét đẹp trong văn hóa ứng xử góp phần duy trì, củng cố đạo lý trong gia đình, dòng họ và dân tộc. Dù xã hội có văn minh, phát triển đến đâu, nét đẹp báo hiếu vẫn luôn được đề cao và mở rộng ý nghĩa. Chữ hiếu đạo trong Phật giáo được hòa quyện vào hiếu đạo của dân tộc.

MỸ HẠNH