Làm rõ quy định về giá điện
Theo Công ty Điện lực An Giang (PCAG), việc điều hành, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trước đây được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó được thay thế bằng Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, ngày 26/3/2024 (có hiệu lực từ ngày 15/5/2024). Theo đó, giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua dịch vụ truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành – quản lý ngành, các khoản chi phí khác được phân bổ, và chỉ bao gồm chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hàng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất – kinh doanh điện năm N-2 của EVN, giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của các khâu. Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá tăng từ 3% trở lên, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Hiện nay, giá bán điện được áp dụng theo Quyết định 2699/QĐ-BCT, ngày 11/10/2024 của Bộ Công Thương. Trong các năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện (than, dầu, khí, tỷ giá) tăng cao do biến động tình hình chính trị - xã hội toàn thế giới, dịch bệnh, El-Nino… dẫn tới chi phí khâu phát điện tăng cao. Dù EVN và các đơn vị thành viên nỗ lực tối đa tiết giảm chi phí, nhưng chi phí sản xuất – kinh doanh điện vẫn tăng cao, gây áp lực lên cân bằng tài chính. Vì vậy, việc điều hành giá điện trong thời gian tới vẫn thực hiện trên cơ sở Quyết định 05/2024/QĐ-TTg.
Thu tiền điện bằng nhiều cách
Cử tri cho rằng, hộ người già neo đơn, khiếm khuyết, người không có tài khoản ngân hàng, người không biết truy cập Internet… sẽ gặp khó nếu không thu phí điện bằng tiền mặt. Theo PCAG, từ năm 2019 đến nay, công ty triển khai thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh, với nhiều hình thức, như: Trích nợ tự động, Internet Banking, ATM, chuyển khoản, thanh toán qua app ngân hàng, ví điện tử của tổ chức trung gian mà PCAG hợp tác. Bên cạnh các hình thức này, khách hàng có thể thanh toán trực tiếp tại quầy thu hộ tiền điện của ngân hàng, điểm/kênh thu hộ của các tổ chức trung gian (Thế giới di động, Điện máy Chợ Lớn, Bách hóa xanh, Điện máy xanh, FPT, Winmart+…), bưu điện xã, phường, thị trấn. Đối với khách hàng là người già neo đơn, người tàn tật không thể di chuyển thanh toán được, PCAG sẽ hỗ trợ thu phí tại nhà.
Thỏa thuận đấu nối điện liên quan tổ hợp tác
Cử tri thắc mắc vấn đề tổ hợp tác (THT) chi tiền đầu tư đường dây, trạm biến áp, nhưng tài sản lại giao cho ngành điện quản lý. Theo PCAG, thực hiện Đề án phát triển hệ thống trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008 – 2012, UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao cho Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam) làm chủ đầu tư, vay vốn từ 2 ngân hàng. Căn cứ vào hợp đồng vay vốn này, UBND tỉnh hoàn trả lại nợ gốc và lãi vay. Tổng Công ty Điện lực miền Nam có trách nhiệm “quản lý, khai thác sử dụng, bảo trì và sửa chữa tất cả tài sản lưới điện mà công ty làm chủ đầu tư thực hiện theo hợp đồng”. Do đó, việc giao tài sản cho ngành điện quản lý là để thực hiện đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trong quá trình quản lý, vận hành.
Đối với tài sản thuộc hợp tác xã (HTX), THT tự đầu tư (không nằm trong các đề án được ký giữa Tổng Công ty và UBND tỉnh), PCAG thỏa thuận đấu nối, lắp đặt hệ thống đo đếm để bán điện cho khách hàng. Trong biên bản thỏa thuận đấu nối, quy định rõ ranh giới quản lý tài sản của 2 bên, làm cơ sở cho việc xác định chi phí vận hành, di dời hoặc sửa chữa về sau. Nếu HTX, THT đầu tư trạm biến áp thì toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của HTX, THT (trừ hệ thống đo đếm của ngành điện).
Việc thay đổi mục đích sử dụng điện của HTX, THT được xác định dựa trên: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh - văn phòng đại diện, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập đơn vị, các giấy tờ hợp pháp khác có đủ thông tin xác định mục đích sử dụng điện tại địa điểm sử dụng điện của khách hàng. Ngành điện sẽ áp lại giá theo thực tế sử dụng điện của khách hàng tại thời điểm đó.
AN KHANG