Nếu có dịp về Bảy Núi trong thời điểm cuối năm, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi khá nhiều đám cưới của đồng bào DTTS Khmer được tổ chức. Lúc ấy, phum sóc luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười như chào đón mùa xuân nhỏ nhỏ của những đôi lứa về chung sống bên nhau. Bên cạnh nhánh mai vàng rực là chiếc cổng cưới lộng lẫy cùng những nụ cười hân hoan, chúc mừng đôi lứa yêu nhau tìm được hạnh phúc của đời mình.
Ông Chau Lâm, người dân xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) thường tham dự những đám cưới trong phum sóc vào thời điểm cuối năm. Ông Chau Lâm cho biết, mùa cưới của đồng bào DTTS Khmer theo truyền thống sẽ diễn ra trước Tết Nguyên đán chừng 2 tháng và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch của năm sau. Với người Khmer, đây là thời điểm thích hợp cho việc cưới xin vì nam nữ thanh niên lao động ngoài tỉnh có điều kiện nghỉ phép dài ngày để chu toàn lễ cưới.
Một đoàn rước dâu của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi
Ông Chau Lâm giải thích, tục cưới hỏi của người Khmer cũng có nét tương đồng với người Việt, chỉ khác ở một số nghi thức mang tính riêng biệt như tụng kinh hay lễ “cắt tóc” cho cô dâu và chú rể. Ngày trước, các đôi lứa yêu nhau thường có thời gian thử thách khá dài với sự giám sát chặt chẽ của hai bên gia đình.
Thông thường, nhà trai phải đến ngỏ lời với nhà gái và cho con mình ở rể bên vợ. Quá trình này kéo dài cả năm, có khi lâu hơn. Cũng có trường hợp “giữa đường gãy gánh” nhưng không phổ biến, bởi chàng rể nào cũng cố gắng để cưới được người con gái mình yêu thương. Sau thời gian ở rể, nếu cha mẹ cô gái cảm thấy tin tưởng, hài lòng thì hôn lễ sẽ tiến hành.
Một nghi thức truyền thống trong đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Cũng như người Việt, đồng bào DTTS Khmer xem trọng chữ hiếu nên các nghi lễ cưới xin của họ thể hiện rất rõ điều này. Trong đêm nhóm họ, gia đình chú rể sẽ sang nhà cô dâu để nghe các ông lục tụng kinh cầu phước. Sau đó, ông lục rải nước hoa và nói những lời tốt đẹp cầu chúc cho đôi lứa trăm năm hạnh phúc.
Sáng hôm sau, cô dâu sẽ dâng mâm cơm cho ông bà, cha mẹ để đáp đền công ơn nuôi dạy trước khi về nhà chồng. Ngoài ra, người Khmer vùng Bảy Núi cũng có nghi lễ lạy ông bà, cha mẹ, trao nữ trang cho cô dâu giống như người Việt.
Sau đó, người ta bắt đầu nghi thức “cắt tóc” cho cô dâu và chú rể để khẳng định tình yêu son sắt không bao giờ thay đổi. Người thực hiện nghi thức này sẽ nhấp những nhát kéo tượng trưng và hát bài ca cắt tóc với nội dung nói rằng, cây kéo này là của ông thần trên trời sẽ ban phước cho cô dâu - chú rể trăm hạnh phúc. Trong bộ trang phục truyền thống, đôi trai tài gái sắc sẽ nắm tay nhau trong sự chúc tụng của bà con thân tộc và khách mời đám cưới.
Ngoài trang phục rạng rỡ trong ngày vui nhất đời mình, chú rể còn giắt sau lưng cây quạt và thanh kiếm với những ý nghĩa đặc biệt. Hai vật ấy cũng là của "bề trên", với hàm ý cây quạt sẽ mang đến sự “mát mẻ” để cuộc sống lứa đôi luôn đầm ấm và thanh kiếm khẳng định vai trò của người đàn ông trong việc xây dựng, bảo vệ gia đình sau này.
Đám cưới của đồng bào của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Sau các nghi thức truyền thống, mọi người sẽ bước vào “he” với những màn ca hát, tiệc tùng vui vẻ để chúc mừng cho cô dâu, chú rể đầu bạc răng long. Cũng từ những màn ca hát, nhảy múa giao duyên này sẽ có những mối tình chớm nở, để mùa cưới năm sau bà con trong sóc lại có dịp chúc tụng những chàng trai, cô gái tìm được một nửa của đời mình. Sau đám cưới vài ngày, cô dâu sẽ trở về gia đình mình làm lễ phản bái ông bà, tổ tiên. Lúc này, gia đình lại làm vài mâm cơm mời thân tộc giống như người Việt.
Giờ đây, đời sống của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi đã khởi sắc hơn với sự quan tâm của các cấp chính quyền trong thời gian qua. Mặt khác, thanh niên Khmer cũng đi lao động ngoài tỉnh với thu nhập ổn định nên lễ cưới của họ đã tươm tất hơn ngày trước. Bởi thế, mùa cưới của những đôi trai gái Khmer sẽ ngày càng sung túc hơn, tiếp tục lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc họ trong những ngày chim én từ khắp nơi chở mùa xuân về với đất trời.
THANH TIẾN