Nga chạy đua ngăn chặn vụ vỡ nợ lịch sử kể từ năm 1917

04/05/2022 - 07:26

Theo các cơ quan xếp hạng tín dụng lớn, Nga đối mặt với mối đe dọa vỡ nợ mới vào ngày 4/5 khi thời gian ân hạn kết thúc đúng một tháng sau khi nước này cố gắng thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu USD bằng đồng rúp.

Theo các hãng xếp hạng tín dụng lớn, Nga đối mặt nguy cơ vỡ nợ vào ngày 4/5. Ảnh: Sputnik

Ngày 4/4, Nga đã thực hiện thanh toán cho hai trái phiếu chính phủ đáo hạn vào năm 2022 và 2042 bằng đồng nội tệ thay vì bằng đô-la Mỹ như được ủy quyền theo các điều khoản của hợp đồng. Tất nhiên, họ còn phải thanh toán nhiều khoản nợ khác, mà không thể thực hiện bằng đồng rúp. Vì thế ngày 30/4 vừa qua, Nga phải huy động mạnh mẽ dự trữ ngoại tệ trong nước của mình để thực hiện hai khoản thanh toán quá hạn, nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ nước ngoài đầu tiên của nước này kể từ năm 1917.

Theo tờ Al Jazeera, 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Nga và khả năng vỡ nợ đã trở thành tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu kể từ khi Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine. Rủi ro vỡ nợ quốc gia đã tăng lên đáng kể vào đầu tháng 4 khi Mỹ ngăn cản chính phủ Nga sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ đã bị đóng băng để thanh toán khoảng 650 triệu USD cho các trái chủ.

Kênh CNBC cho biết, Nga sẽ phải đáp ứng một thời hạn thanh toán nợ khác vào ngày hôm nay, 4/5. Đó là lý do khiến nước này vẫn phải gấp rút huy động dự trữ ngoại tệ trong nước để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ quốc gia. Trước đó, nỗ lực của Nga nhằm thực hiện các khoản thanh toán trái phiếu USD bằng đồng rúp đã bất thành. 

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ (OFAC)- bộ phận quản lý và thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế và thương mại, đã nhận được các khoản thanh toán từ Moskva vào tuần trước. Hãng tin Bloomberg báo cáo hôm 3/5 rằng ít nhất một công ty thanh toán bù trừ quốc tế (clearinghouse) đã xử lý khoản thanh toán 650 triệu USD tiền gốc và phiếu thanh toán cho các trái phiếu đồng euro đáo hạn vào năm 2022 và 2042.

Nga huy động đô-la Mỹ để trả nợ

Về phần mình, hôm 29/4, Bộ Tài chính Nga cũng cho biết họ đã phải thanh toán bằng đô-la Mỹ, trị giá 564,8 triệu USD cho các nghĩa vụ mua lại và trái phiếu đáo hạn vào năm 2022, và một khoản thanh toán lãi trái phiếu trị giá 84,4 triệu USD cho một khoản nợ đến hạn vào năm 2042.

Các khoản tiền trên được cho là đã được chuyển đến chi nhánh Citibank ở London, nhưng không rõ liệu chúng có đến được người nhận trước thời hạn hay không. Người phát ngôn của Citibank từ chối bình luận.

Cú “quay đầu” của Bộ Tài chính Nga vào 29/4 diễn ra sau khi cơ quan này tìm cách thanh toán trái phiếu USD bằng đồng rúp Nga vào ngày 4/4. Các cơ quan xếp hạng lớn cho rằng Nga rơi vào vụ vỡ nợ nước ngoài đầu tiên kể từ năm 1917 nếu họ không đáp ứng các nghĩa vụ bằng ngoại tệ của mình vào cuối thời gian ân hạn kéo dài một tháng, kết thúc ngày 4/5.

Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về chủ quyền của EM tại BlueBay Asset Management, hôm 3/5 bày tỏ sự ngạc nhiên rằng OFAC dường như đã để ngỏ lựa chọn thông qua các khoản thanh toán bằng đồng rúp sau thông điệp cứng rắn trước đó. “OFAC đang để ngỏ mọi tuỳ chọn. Họ vẫn có tuỳ chọn không gia hạn giấy phép chung vào 27/5, và có thể hành động bất kỳ lúc nào để ngăn các thể chế phương Tây xử lý các khoản hoàn trả trái phiếu”, ông Ash nói với CNBC.

“OFAC có thể buộc Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ bất cứ lúc nào. OFAC vẫn đang ngồi trên ghế lái”, ông nói thêm.

Nỗ lực thanh toán bằng đồng rúp của Nga diễn ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu tháng 4 từ chối cho phép các khoản thanh toán của Moskva cho trái chủ nước ngoài được “miễn trừ” khỏi các lệnh trừng phạt, một sự cho phép đặc biệt mà cơ quan này từng cấp vào tháng 3.

Hãng S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng nợ nước ngoài của Nga xuống mức "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi nước này thanh toán bằng đồng rúp vào ngày 4/4. Hãng Moody's thì cho rằng việc thực hiện sai lệch so với các điều khoản thanh toán của hợp đồng trái phiếu ban đầu bằng cách thanh toán bằng đồng rúp có thể khiến Nga bị coi là vỡ nợ vào ngày 4/5, trừ khi tình trạng này được khắc phục.

Nga nợ bao nhiêu và Moskva có tiền mặt không?

Nghĩa vụ thanh toán trái phiếu quốc tế của Nga cho đến cuối năm ước tính là khoảng 2 tỷ USD.

Mối đe dọa vỡ nợ của Nga là đặc biệt ở chỗ Moskva được cho là có tiền để trả các nghĩa vụ của mình. Nhưng thực tế là một số nguồn của họ bị đóng băng hoặc chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt dẫn đến làm giảm khả năng sẵn sàng thanh toán từ các nguồn tiền mặt khác. Chỉ khoảng một nửa trong hơn 600 tỉ USD dự trữ nước ngoài của Nga bị đóng băng. Và ngay cả khi châu Âu tuyên bố đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, trung bình trong năm nay Nga vẫn thu 1 tỉ USD mỗi ngày nhờ doanh thu bán dầu, than đá và khí đốt. 

Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)