Ngắm "hoàng hôn sương mù" trên mặt trăng Sao Thổ

18/01/2018 - 09:32

NASA vừa công bố hai hình ảnh mới tuyệt đẹp về mặt trăng Titan của sao Thổ - nơi các nhà khoa học tin rằng đủ điều kiện để hình thành sự sống ngoài trái đất.

Trong bức ảnh đầu tiên, Titan như được viền quanh bởi một dải sáng nhiều màu. Các nhà khoa học gọi đây là "hoàng hôn sương mù". Ở bức ảnh thứ hai, toàn bộ mặt trăng Titan lấp lánh ánh sáng xanh, xanh lá, vàng cam… kỳ ảo.

"Hoàng hôn sương mù" trên mặt trăng Titan - ảnh: NASA

Dưới lớp sương mù ấy là một hành tinh có thể xem như bản sao gần hoàn chỉnh của trái đất, có sông, biển và bầu khí quyển được cho là đủ tiêu chuẩn để hình thành sự sống.

Mặt trăng Titan lấp lánh nhiều màu sắc - ảnh: NASA

Những hình ảnh tuyệt đẹp này là một trong những "di vật" của Cassini – con tàu vũ trụ đã kết thúc chuyến hành trình 20 năm đến Sao Thổ vào năm 2017, khi nó lao thẳng xuống bầu khí quyển của sao Thổ. Theo các thông số gửi về trái đất qua chặng đường dài xuyên không gian, các hình ảnh này được ghi nhận từ tháng 3-2005. Vào thời điểm ghi nhận hình ảnh, Cassini cách mặt trăng Titan 33.083 km.

Titan bên vành đai băng giá của Sao Thổ

Các dữ liệu mà Cassini gửi về trái đất cung cấp những bằng chứng cho thấy bên dưới bầu khí quyển có thể ẩn chứa nhiều cấu trúc phân tử có thể là nguyên liệu để tạo nên những khối hữu cơ phức tạp – chính là những sinh vật ngoài trái đất. Có thể nói Titan được ví như hình ảnh của trái đất thuở sơ khai, khi các phản ứng đầu tiên tạo ra sự sống bắt đầu xảy ra trên trái đất.

NASA cho biết để không làm ô nhiễm bầu sao Thổ và các mặt trăng của nó, bao gồm Titan quý giá, các nhà khoa học đã tính toán để Cassini sử dụng hết nhiên liệu còn thừa trước khi bốc cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển của sao Thổ.

Theo ANH THƯ (Người Lao Động)