Ngắm Sao Hỏa qua bức ảnh toàn cảnh 360 độ

26/02/2021 - 09:22

Từ các hình ảnh gửi từ Sao Hỏa, NASA đã chắp nối để tạo ra bức ảnh panorama 360 độ đầu tiên do tàu thăm dò Perseverance chụp.

Theo kênh CNN, tàu Perseverance đã liên tục gửi về Trái Đất những hình ảnh tuyệt vời. Cặp camera màu có tên Mastcam-Z của tàu thăm dò đã gửi 142 bức ảnh về khu vực mà tàu đáp xuống Sao Hỏa ngày 21-2. 

Chú thích ảnh

Bức ảnh 360 độ đầu tiên được tạo từ hình ảnh do tàu Perseverance chụp trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA

Với 142 bức ảnh này, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã có hình ảnh độ phân giải cao đầu tiên về miệng núi lửa Jezero, khu vực lòng hồ cạn 3,9 tỷ năm tuổi và là nơi tàu thăm dò sẽ tìm kiếm sự sống cổ xưa trong hai năm tới.

Trong bức ảnh 360 độ, đối diện với mép miệng núi lửa và vách đá là hình ảnh lưu vực sông cổ đại ở phía xa. Bức ảnh này không giống những hình ảnh mà tàu thăm dò Curiosity của NASA từng gửi về khi khám phá khu vực miệng núi lửa Gale.

Ông Jim Bell, nhà nghiên cứu chính về thiết bị Mastcam-Z tại khoa thăm dò vũ trụ và Trái Đất tại Đại học Bang Arizona, nói: “Chúng tôi đã hạ cánh ngay ở khu vực tốt nhất, nơi có thể nhìn thấy nhiều đặc điểm khác nhau. Trước đây, tàu Spirit, Opportunity và Curiosity cũng phát hiện các đặc điểm tương tự tại khu vực đáp xuống”.

Tàu Perseverance cũng gửi về ảnh panaroma bằng Navcams (camera định vị) hồi cuối tuần. 
Mastcam-Z là một tính năng mới của tàu thăm dò Perseverance. Thiết bị này được thiết kế dựa trên kinh nghiệm rút ra từ thiết bị Mastcam trên tàu thăm dò Curiosity. Mastcam của Curiosity có 2 camera với tiêu cự cố định, còn Mastcam-Z có thể phóng to, thu nhỏ.

Chú thích ảnh

Có thể nhìn thấy mép miệng núi lửa Jezero phía xa. Ảnh: NASA

Hai camera này giống như đôi mắt độ phân giải cao của tàu Perseverance, giúp tàu chia sẻ những gì nó nhìn thấy với nhóm nhà khoa học và kỹ sư trên Trái Đất.

Hai camera nằm trên cột ăng ten của tàu thăm dò, ngang bằng tầm mắt của người cao khoảng 1,9m. Các camera cách nhau 16cm.

Ảnh màu do Mastcam-Z chụp rất giống chất lượng bức ảnh chụp từ máy ảnh số HD. Các camera này không chỉ phóng được mà còn có thể quay video, chụp ảnh panaroma và ảnh 3D.

Nhờ đó, các nhà khoa học có thể kiểm tra các vật thể ở gần lẫn ở xa tàu thăm dò.

Trong ảnh panorama, có thể nhìn thấy các chi tiết kích thước từ 0,2 tới 0,5cm nếu vật thể gần tàu thăm dò. Những chi tiết có kích thước 2m tới 3m ở xa cũng có thể quan sát được.

Khả năng này sẽ giúp NASA hiểu được lịch sử địa chất của miệng núi lửa và xác định các loại đá cần nghiên cứu. 

Hình ảnh chụp từ Mastcam-Z cũng sẽ giúp các nhà khoa học xác định xem họ cần thu thập mẫu đá nào từ đó để gửi về Trái Đất trong các sứ mệnh tương lai.

Chú thích ảnh

Trong bức ảnh 360 độ, có thể nhìn thấy hòn đá kích thước lớn.

Nhóm phụ trách Mastcam-Z sẽ chia sẻ thêm thông tin về ảnh panorama trong ngày 25-2 trên trang web của NASA và các tài khoản mạng xã hội.

Trước đó, NASA ngày 22-2 đã công bố đoạn băng ghi âm cùng video đầu tiên do tàu Perseverance gửi về từ Sao Hỏa. Trong quá trình Perseverance đáp xuống Sao Hỏa, micro của tàu thám hiểm này thu được một đoạn âm thanh dài 60 giây. Theo ông Dave Gruel, kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống camera và micro của tàu Perseverance, trong đoạn âm thanh này, có 10 giây là tiếng gió thổi mạnh trên bề mặt Sao Hỏa.

Trong khi đó, đoạn video có độ nét cao, dài 3 phút 25 giây, cho thấy hình ảnh một chiếc dù hai màu đỏ và trắng đang được mở ra, với phần tán dù rộng 21,5 mét giúp tàu thám hiểm đáp xuống bề mặt Sao Hỏa an toàn. Ngoài ra, đoạn video cũng ghi lại cảnh lớp cách nhiệt rơi xuống, sau khi bảo vệ Perseverance trong quá trình tiếp cận khí quyển trên Sao Hỏa, cũng như cảnh con tàu này tiếp đất, tạo ra đám khói bụi trên miệng núi lửa Jezero.

Ông Michael Watkins - Giám đốc Phòng Thí nghiệm Phản lực của NASA phụ trách sứ mệnh trên - cho biết đây là lần đầu tiên đơn vị này thu được cảnh tàu thám hiểm đáp xuống bề mặt Sao Hỏa. Trong khi đó, nhà quản lý hiệp hội khoa học của NASA - ông Thomas Zurbuchen cho rằng đoạn video của Perseverance là "hình ảnh gần nhất con người có thể thu được về quá trình tiếp đất trên Sao Hỏa mà không cần đến đồ bảo hộ chống áp lực".

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)