Ngăn chặn vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm

09/01/2023 - 08:27

Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ lượng thực phẩm nhiều nhất trong năm. Từ sớm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị nguồn hàng, gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Nhưng lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chấp pháp luật, đạo đức sẵn sàng đưa ra thị trường tiêu thụ những mặt hàng kém chất lượng, thậm chí có những loại không rõ nguồn gốc, hàng giả.

Ảnh minh họa: Quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra và phát hiện hộ kinh doanh nhập lậu không đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh: TTXVN)

Những vi phạm pháp luật, đạo đức đó sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, thậm chí một số trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm trong dịp này.

Những năm qua, nước ta đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan an toàn thực phẩm khá đầy đủ, như: Luật An toàn thực phẩm; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn hạn chế. Mặt khác, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hộ tiểu thương chạy theo lợi nhuận cố tình sử dụng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm...

Mỗi người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ hàng hóa, thực phẩm, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến với mọi người, mọi gia đình trên đất nước Việt Nam. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, giúp người dân vui xuân, đón Tết an toàn; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cần tập trung cao độ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, các chợ, trung tâm thương mại đầu mối, cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm...; tổ chức lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; phát hiện sớm các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm hành vi và sản phẩm vi phạm.

Các cơ quan chức năng cần công khai cơ sở vi phạm; kết quả xử lý vi phạm để cảnh báo cho cộng đồng; biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm.

Cùng với sự nỗ lực của chính quyền, các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ hàng hóa, thực phẩm, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn; chỉ chọn mua những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng... Hiện nay hệ thống siêu thị có mặt ở rộng khắp, chợ truyền thống cũng mở sớm, cho nên người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm, thức ăn trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm mất dinh dưỡng hoặc mốc hỏng...

Theo TRUNG TUYẾN (Nhân Dân)