Ngân hàng tăng lãi suất huy động để đẩy mạnh cho vay cuối năm
04/10/2024 - 14:17
Sáng 4/10, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) và Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đây là động thái nhằm cạnh tranh và thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh nhu cầu vay vốn cuối năm tăng cao.
AA
Lãi suất đã rục rịch tăng
Theo đó, LPBank điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng mạnh nhất, dao động từ 0,3% đến 0,6%/năm trên các kỳ hạn, từ 1 - 60 tháng. Mức điều chỉnh này đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên, LPBank điều chỉnh lãi suất huy động tăng sau hơn 3 tháng giữ nguyên mức cũ.
Trong đợt điều chỉnh mới này, LPBank tăng lãi suất mạnh nhất ở các kỳ hạn 3 - 5 tháng, ở mức 4,1%/năm, cho thấy chiến lược tập trung vào các kỳ hạn trung nhằm thu hút những khoản tiền gửi ổn định. Đối với các kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng, LPBank niêm yết lãi suất ở mức cao nhất là 5,9%/năm, tạo điều kiện hấp dẫn cho các khách hàng muốn gửi tiết kiệm dài hạn.
Trong khi đó, Bac A Bank điều chỉnh tăng lãi suất nhẹ hơn so với LPBank, chủ yếu từ 0,1% - 0,15%/năm, tập trung ở các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng. Cụ thể, các kỳ hạn 1 - 5 tháng tăng lãi suất từ 3,8% - 4,3%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, Bac A Bank giữ nguyên mức lãi suất đã niêm yết từ tháng trước, với mức cao nhất là 5,85%/năm cho các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng. Sự thay đổi này phù hợp với chiến lược duy trì nguồn vốn ổn định, tránh áp lực lên chi phí huy động dài hạn.
Như vậy, sau một thời gian dài các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống còn dưới 6%/năm, hiện nay lãi suất đã có sự điều chỉnh tăng cao rõ rệt, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) với mức lãi suất mới đầy cạnh tranh.
Tính trong vòng một tháng trở lại, khoảng 12 ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động, với mức tăng dao động từ 0,1% - 0,6%/năm, như VPBank, SHB, HDBank, OceanBank, Dong A Bank… Trong đó, OceanBank và Dong A Bank tiếp tục là nhóm dẫn đầu xu hướng tăng lãi suất, với nhiều lần điều chỉnh trong tháng, chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn và trung hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và cạnh tranh thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay lại là NCB và PVComBank, với 6,25%/năm cho các kỳ hạn dài.
Ngược lại, nhóm "Big 4" (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp, dao động từ 2,9% đến 4,8%/năm tùy kỳ hạn. Dù không cạnh tranh cao về mức lãi suất, nhóm ngân hàng này vẫn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho người gửi tiền. Tuy nhiên, theo MBS Research, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại lớn khả năng sẽ tiếp tục tăng nhẹ, có thể đạt mức 5,3% đến 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm 2024.
Vẫn tiếp tục tăng ở kỳ hạn ngắn và trung
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất của các ngân hàng nhằm thu hút dòng tiền gửi trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi, đặc biệt là khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh tăng cao vào giai đoạn cuối năm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong quý II/2024, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đã giảm trong khi tiền gửi từ cá nhân tăng nhẹ.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi cao giúp kênh tiết kiệm trở nên cạnh tranh hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng và bất động sản vốn đang có tỷ suất sinh lời cao trong thời gian gần đây; đồng thời giúp ngân hàng thu hút thêm dòng tiền từ người dân trong bối cảnh lạm phát tăng nhẹ và nhu cầu tiết kiệm an toàn tăng cao.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc điều chỉnh lãi suất là một phần của sự sôi động kinh tế khi cả cá nhân và doanh nghiệp đều có nhu cầu cao về vốn. Đây là dấu hiệu của sự phục hồi sau thời kỳ khó khăn.
Có thể thấy, thị trường bất động sản và xuất nhập khẩu, hai lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, đang phục hồi và yêu cầu nguồn vốn lớn. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vay vốn, qua đó đẩy lãi suất huy động duy trì ở mức cao hơn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, mức độ tăng sẽ không quá lớn, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu mùa cao điểm cuối năm mà không tạo gánh nặng cho chi phí vay vốn; đồng thời, hạn chế đà tăng mạnh của lãi suất huy động, giúp duy trì sự ổn định thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Với xu hướng lãi suất hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị người dân có thể lựa chọn gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn và trung (3 đến 12 tháng) hoặc chia nhỏ các khoản tiền gửi theo nhiều kỳ hạn để đảm bảo linh hoạt tài chính. Việc gửi tiết kiệm trực tuyến cũng là một lựa chọn hợp lý khi nhiều ngân hàng đang cộng thêm lãi suất ưu đãi cho hình thức này.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: