Tăng cường các hoạt động văn - thể - mỹ, ngăn chặn tệ nạn, ma túy xâm nhập học đường
Nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị và cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tốt Thông tư liên tịch 06/2016/TTLT-BCA-BGDĐT, ngày 28-5-2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong ngành GD&ĐT. Đầu mỗi năm học, ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với công an xã, phường, thị trấn tổ chức “ký cam kết, hợp đồng trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị trong trường học”; phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn trật tự, làm lành mạnh hóa môi trường trong và xung quanh trường học.
Theo Sở GD&ĐT, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được các đơn vị tổ chức thực hiện tốt. Điện thoại đường dây nóng được thiết lập giữa các phòng GD&ĐT và các trường với công an các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết kịp thời các tình huống khẩn cấp. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường (đoàn thanh niên, đội thiếu niên, công đoàn), các tổ chức do Đoàn, Đội phụ trách, như: Đội Thiếu niên phòng, chống tệ nạn xã hội; Đội Thanh niên tình nguyện, Đội Cờ đỏ, Đội xung kích... hoạt động tích cực. Qua đó, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hành vi vi phạm tệ nạn xã hội (TNXH), HIV/AIDS… trong giáo viên, học sinh. Cụ thể, tại Trường THPT B.M (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), đã phát hiện 4 học sinh lớp 12 của trường vi phạm việc sử dụng chất cấm. Vụ việc đã được Ban Giám hiệu trường phát hiện kịp thời, phối hợp với công an địa phương xử lý theo đúng chức năng, ngăn chặn kịp thời, không để vụ việc diễn biến phức tạp…
Với tinh thần chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa là chính, các trường phối hợp chính quyền, công an địa phương tăng cường các biện pháp quản lý học sinh, như: ký cam kết với từng học sinh, tăng cường vai trò giám sát của tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường, trên địa bàn dân cư nơi học sinh cư trú hoặc ở trọ trong thời gian đi học, cho học sinh đăng ký với nhà trường về địa chỉ ngoại trú hoặc báo với nhà trường khi thay đổi địa chỉ ngoại trú…
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho học sinh, khuyến khích các em chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng ngừa TNXH; định hướng cách thức tiếp cận Internet phục vụ nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, thông qua các website, các nhóm mạng xã hội: Zalo, Facebook... Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; vấn đề vi phạm an toàn giao thông, ngăn chặn bạo lực học đường, ma túy, nghiện game trực tuyến (online)… cho đoàn viên, học sinh và đội viên.
Các trường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma túy, tạo sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh tham gia (khi chưa giãn cách xã hội). Phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ thanh niên phòng, chống ma túy, tội phạm, TNXH và thực hiện an toàn giao thông trong trường học. Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thí điểm mô hình công tác xã hội học đường, đồng thời triển khai hoạt động của các Tổ tư vấn trường học trong các trường THCS, THPT nhằm góp phần giải quyết các vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi trong học sinh. Tiếp tục duy trì việc tổ chức “Thùng thư tố giác” tại trường và thành lập Đội xung kích phòng, chống TNXH nhằm phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm…
HỮU HUYNH