Ngân sách dành cho giáo dục được sử dụng ra sao?

30/10/2018 - 08:52

Đại biểu Quốc hội không biết cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục được vận hành và sử dụng hiện nay ra sao.

Đề cập chính sách tài chính cho giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, ngoài ưu tiên chi ngân sách cho giáo dục thì Chính phủ còn nhiều chính sách khác nữa. Thế nhưng, tỷ lệ ngân sách cho giáo dục hàng năm ở mức xấp xỉ 20% từ nhiều năm nay. Đây là sự ưu tiên cần thiết với quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Mặc dù vậy, việc vận hành tài chính cho giáo dục còn nhiều bất cập. Cụ thể: Về cơ chế quản lý ngân sách dành cho giáo dục, đào tào được phân cấp mạnh theo chiều dọc, cho các địa phương và theo chiều ngang cho các Bộ, ngành nhưng dường như đang thiếu một cơ chế giám sát hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh: quochoi.vn)

Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng gần 5% ngân sách

Trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục thì ngân sách địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng chiếm tỷ trọng khoảng 89%, ngân sách do các Bộ, ngành, Trung ương quản lý, sử dụng là 11%. Trong đó, Bộ GD-ĐT chỉ trực tiếp quản lý, sử dụng khoảng gần 5%. Đặc biệt, đối với nguồn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục thì hiện đang thực hiện không thống nhất giữa các địa phương.

Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính không nắm được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Chính phủ trong việc giao tổng số vốn cho các địa phương không giao chi tiết cho từng ngành, từng lĩnh vực.

Như vậy, cơ quan nào sẽ tổng hợp chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề trong toàn quốc? Cơ quan nào sẽ nắm được dòng tiền 20% ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo được cơ cấu và vận hành như thế nào và hiệu quả sử dụng hiện nay thì ra sao?

Đại biểu Mai Hoa đề nghị cần xây dựng một cơ chế quản lý ngân sách theo ngành và xác định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ cũng như quản lý và sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả trung ương và địa phương.

Cơ cấu phân bổ ngân sách cho giáo dục còn một bất cập nữa, đó là ngân sách phân bổ cho các địa phương hiện nay dựa trên dân số ở độ tuổi đi học căn cứ quản lý hộ khẩu. Thực tế cho thấy người dân ở các khu vực nông thôn đang đổ về các thành phố lớn, các khu công nghiệp, trong khi hộ khẩu vẫn ở địa phương. Như vậy, cách định mức phân bổ ngân sách không còn phù hợp với thực tế, tạo sức ép rất lớn cho các khu đô thị, khu công nghiệp. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và làm rõ cũng như có giải pháp về vấn đề này.

Về cơ cấu đầu tư cho giáo dục, hiện nay, tỷ lệ giữa đầu tư cho giáo dục phổ thông hay giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì hiện nay vẫn chưa cân đối, đặc biệt là khối giáo dục đại học cũng như giáo dục nghề chỉ xấp xỉ trên dưới 10%, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng đào tạo của khối cao đẳng, đại học.

Đại biểu Mai Hoa đề nghị cần xem xét lại cơ cấu và đặc biệt là cần phải xã hội hóa để tăng nguồn kinh phí cho khối này để bảo đảm được chất lượng.

Thiếu hụt giáo viên, bác sĩ do bị cắt giảm biên chế

Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế và giáo dục. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang).

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (ảnh: quochoi.vn)

Hiện nay, giáo dục mầm non và THCS đang phải chịu rất nhiều khó khăn và áp lực lớn. Yêu cầu của nhân dân ngày càng muốn nâng cao về chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng khám chữa bệnh nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu.

Điều đáng lo ngại là y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh, giáo viên trực tiếp giảng dạy đã thiếu hụt nay càng thiếu hụt trầm trọng hơn do bị cắt giảm biên chế một cách cơ học, bất hợp lý. Điều đó thể hiện thực hiện chưa tốt chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa về chăm sóc giáo dục và y tế cho toàn dân.

Để khắc phục bất cập trên, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nhiều hơn cho ngành y tế và giáo dục, nhất là ở cấp tỉnh và cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Bởi đầu tư cho y tế và giáo dục là đầu tư cho con người có sức khỏe, trí tuệ một cách thiết thực nhất, đầy đủ nhất.

Theo BÍCH LAN (VOV)