Đến tháng 7/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được khoảng 25.500 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng, đạt khoảng 40,7% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Dù tỷ lệ giải ngân tiếp tục được duy trì ở mức cao, nhưng việc giải ngân hơn 37.000 tỷ đồng những tháng cuối năm theo kế hoạch đòi hỏi nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công.
AA
Cao tốc Bắc Nam dẫn đầu tỷ lệ giải ngân
Theo kết quả rà soát của Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), xét theo nhóm các dự án, nhóm dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 đang đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, khoảng 50% kế hoạch năm. Nhóm các dự án ODA có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ GTVT, đạt 30%. Một số chủ đầu tư giải ngân tốt như Ban Quản lý dự án (BQLDA) 6 (56%), BQLDA Hàng Hải (55%), Cục Đường bộ Việt Nam (54%), BQLDA Thăng Long (49%)... còn lại các chủ đầu tư khác giải ngân thấp hơn mức trung bình của Bộ GTVT, đạt khoảng 22%.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ đang bứt phá trên công trường. Nhiều dự án vượt tiến độ giải ngân, chủ đầu tư phải xin thêm vốn để triển khai những tháng cuối năm.
Đơn cử như cao tốc thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng thuộc cao tốc Bắc Nam, do BQLDA Thăng Long làm chủ đầu tư, hiện đã đạt sản lượng thi công hơn 34% khối lượng xây lắp, bám sát kế hoạch đề ra. Đến nay, sản lượng giải ngân toàn dự án đạt 522/1.500 tỷ đồng, tương ứng gần 35% kế hoạch vốn, vượt hơn 52 tỷ đồng so với đăng ký. Hai dự án khác của BQLDA Thăng Long là dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long cũng giải ngân vượt hơn 34 tỷ đồng; cao tốc thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc cao tốc Bắc Nam vượt gần 80 tỷ đồng.
Hay cao tốc thành phần Vân Phong - Nha Trang, do BQLDA 7 là chủ đầu tư, cũng đang là điểm sáng giải ngân trong nhóm dự án trọng điểm Bộ GTVT quản lý. Dự án hiện đã đạt tổng giá trị thực hiện gần 3.700 tỷ đồng, sản lượng đang vượt kế hoạch điều chỉnh 0,82% (tương đương 59 tỷ đồng). Trong số gần 3.000 tỷ đồng được phân bổ năm 2024, dự án đã giải ngân hơn 853 tỷ đồng, xấp xỉ 29%, vượt 8% so với kế hoạch đăng ký với Bộ GTVT...
Còn theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc BQLDA Mỹ Thuận, năm 2024, kế hoạch vốn đơn vị được Bộ GTVT giao 7.576 tỷ đồng. Đến tháng 7/2024, Ban dự kiến giải ngân khoảng 2.550 tỷ đồng, đạt gần 34% kế hoạch. BQLDA 6 cũng đã giải ngân được 3.400/9.100 tỷ đồng kế hoạch vốn giao năm 2024, đạt gần 38%...
Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư, năm 2024, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn là 59.237 tỷ đồng. Căn cứ nhu cầu giải ngân và tiến độ triển khai các dự án, Bộ GTVT đang báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài vốn từ năm 2023 khoảng 4.800 tỷ đồng, bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương. Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2024 có thể được giao lên tới 73.000 tỷ đồng.
Gỡ mặt bằng, vật liệu, dồn lực giải ngân
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành GTVT đang đảm bảo, nhưng việc chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu thi công tại các dự án trọng điểm hiện nay, nếu không được tháo gỡ kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến việc giải ngân những tháng cuối năm.
Về mặt bằng, mặc dù các địa phương có cao tốc, công trình trọng điểm đi qua đã quyết liệt vào cuộc, song ở nhiều nơi vẫn chậm tiến độ so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra. Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thông tin, tại dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương hoàn thành khối lượng GPMB còn lại trước ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, công tác di dời đường điện cao thế tại nhiều địa phương vẫn chậm như: Hà Tĩnh còn 13/15 vị trí, Quảng Trị còn 2/3 vị trí, Phú Yên còn 66/82 vị trí, Khánh Hòa còn 19/20 vị trí, Hậu Giang còn 6/7 vị trí...
Vướng mắc mặt bằng đang là nguyên nhân cản tiến độ thi công hàng loạt các dự án khác có thời gian hoàn thành trong năm 2024 như: Dự án Quốc lộ 6 tuyến tránh TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; dự án tuyến tránh TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; dự án Quốc lộ 12A Quảng Bình; dự án Quốc lộ 4B đoạn Km 18 - Km 80, tỉnh Lạng Sơn; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên...
Về vật liệu, riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, các dự án chỉ còn khoảng 5 tháng sẽ bước vào giai đoạn triển khai đồng loạt sau khi hoàn thành đắp đất cát đá gia tải nền đường, nhưng nhu cầu cát vẫn đang thiếu khoảng 54 triệu m3. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các địa phương, nguồn cung cát cho các dự án từng bước cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng công suất khai thác tại các mỏ vẫn đang chậm.
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, BQLDA giao thông đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân; đồng thời, phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, kiên quyết chấn chỉnh các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án giao thông đầu tháng 7/2024 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng xác định, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu của ngành. Vì vậy, các chủ đầu tư, BQLDA cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, riêng các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II, các dự án cao tốc trục ngang như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu... phải giám sát tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: