Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Phú Tân
Phóng viên (P.V): Thời gian qua, ngành GTVT đã phát huy mọi nguồn lực về vốn để thực hiện đầu tư nâng cấp, kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế tỉnh nhà, ông cho biết cụ thể vấn đề?
Ông Nguyễn Phú Tân: Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh quan tâm và ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do đặc thù khu vực Nam Bộ nói chung và tỉnh An Giang nói riêng thuộc vùng đất yếu, nên suất đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông rất lớn, trong khi nhu cầu đầu tư trên toàn tỉnh rất nhiều, ngân sách của tỉnh và Trung ương chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội.
Để tháo gỡ các khó khăn và đổi mới phương thức huy động nguồn vốn cho đầu tư, thay vì chỉ sử dụng ngân sách để thực hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã mạnh dạn thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó, đã huy động được nguồn lực khá lớn cùng nhà nước xây dựng các công trình ý nghĩa, góp phần rất lớn cho phát triển KTXH của tỉnh. Đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang đã xây dựng được 581 cây cầu, nhân dân đóng góp 585 tỷ đồng, 117.164 ngày công lao động và 1.523m2 đất để làm cầu. Các công trình có quy mô khá lớn đã đưa vào sử dụng, như: cầu Tấn Mỹ - Mỹ Luông, cầu Tân Long (nối liền huyện Chợ Mới với huyện Thanh Bình, (tỉnh Đồng Tháp), cầu Bình Thủy (huyện Châu Phú), vận động được các doanh nghiệp bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các công trình này.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương thực hiện hoàn thành các dự án trọng điểm, làm đòn bẩy phát triển KTXH, như: tuyến đường tránh Long Xuyên; tuyến đường liên kết vùng Tân Châu - Châu Đốc (trong đó có cầu Châu Đốc) để kết nối với các tỉnh lân cận, như: Kiên Giang và Đồng Tháp; tuyến cao tốc Châu Đốc - TP. Cần Thơ - Sóc Trăng… Đồng thời sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư các công trình, như: cầu Năng Gù bắc qua sông Hậu (nối liền huyện Châu Phú với Phú Tân); tuyến tránh thị trấn cái Dầu; cầu bắc qua sông Hậu (nối liền TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng)…
P.V: Tác động lớn nhất đối với GTVT hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu, gây ngập lụt, sạt lở ở nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, như: đường sá, bến bãi, cầu cảng… ảnh hưởng đến việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân, ông có thể nói rõ thêm về những giải pháp ứng phó hiệu quả?
Ông Nguyễn Phú Tân: Biến đổi khí hậu là thảm họa chung của toàn cầu. Tỉnh An Giang nằm trong khu vực có nền đất tự nhiên thấp, yếu. Vì vậy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề hơn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng mà chúng ta đã chứng kiến, tiêu biểu nhất là vụ sạt lở Quốc lộ 91, tại khu vực xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) làm gián đoạn giao thông khu vực.
Nhận thức được biến đổi khí hậu không chỉ gây ra thiệt hại trước mắt, mà sẽ tác động lâu dài và ngày càng nghiêm trọng đối với mọi mặt đời sống xã hội và đặc biệt đối với hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Sở GTVT phối hợp với các ngành có liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, hướng dẫn về việc thực hiện các công trình xây dựng cơ bản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng năm, Sở GTVT đều thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão. Dự phòng cơ số cầu thép theo quy định để kịp thời ứng phó các trường hợp xảy ra sự cố, gây ách tắc giao thông, nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt.
P.V: Ngành GTVT đã và đang triển khai các dự án trọng điểm nào nhằm phát triển kinh tế, du lịch (DL) tỉnh nhà, kể cả các vùng núi, vùng biên giới?
Ông Nguyễn Phú Tân: An Giang là tỉnh có tiềm năng DL rất lớn, đặc biệt là DL tâm linh, hàng năm có trên 5 triệu lượt khách đến tham quan. Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều điểm DL nổi tiếng, như: núi Cấm (huyện Tịnh Biên), chùa Bà chúa xứ núi Sam (TP. Châu Đốc); Khu di tích văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn)… Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển DL và KTXH, với các công trình trọng điểm, như: dự án cải tạo nâng cấp mặt đường và xây kè Tỉnh lộ 941 đoạn từ ngã ba Lộ Tẻ đến thị trấn Tri Tôn (chiều dài 39km) đã thực hiện xong năm 2018. Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 955A nối liền huyện Tịnh Biên với TP. Châu Đốc (chiều dài 21km), đã thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020.
Ngoài ra, ngành GTVT còn các dự án trọng điểm đang và sắp triển khai thời gian tới, như: đang thực hiện các tuyến Tỉnh lộ 945, 948. Chuẩn bị thực hiện các tuyến Tỉnh lộ 959; tuyến tránh TP. Long Xuyên; đường liên kết vùng (Quốc lộ N1) đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc (trong đó có cầu Châu Đốc); tuyến cao tốc Châu Đốc - TP. Cần Thơ - Sóc Trăng… Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần rất lớn để thúc đẩy KTXH và phát triển DL tỉnh nhà.
PV: Xin cám ơn ông!
THÁI VĨNH (Thực hiện)