Ngành hàng cá tra nỗ lực vượt khó

10/12/2023 - 22:33

 - Trước bối cảnh khó khăn chung của thế giới, đặc biệt là tình hình suy thoái kinh tế tại các quốc gia phát triển vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu cá tra. Doanh nghiệp (DN), ngư dân trong tỉnh đã có những nỗ lực vượt bậc để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; đẩy mạnh tái cấu trúc ngành hàng, sản phẩm theo hướng bền vững.

Duy trì sản xuất

An Giang có 19 DN với 23 nhà máy chế biến cá tra để xuất khẩu. Năm 2023, DN và ngư dân trong tỉnh phải nỗ lực vượt khó rất nhiều. Cái khó đầu tiên là kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tại những thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… lượng cá tra xuất khẩu giảm gần 40% (so với năm 2022), đẩy kim ngạch của toàn ngành cá tra trong năm chỉ còn 1,7 tỷ USD - thay vì 2,4 tỷ USD của năm 2022. Tình thế này buộc DN phải tìm cách ổn định, duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, chờ kinh tế phục hồi.

Các biện pháp được DN triển khai trong năm là giảm giờ làm, luân phiên sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cho công nhân nghỉ việc. Nhiều nơi, DN giảm 50% công suất chế biến nhưng lượng công nhân vẫn duy trì. “Năm 2023 là năm khó khăn với công nhân ngành đông lạnh. Nhà máy ít đơn hàng, số ngày làm trong tháng sụt giảm.

Trước đây, bình quân số ngày công trong tháng là 26 ngày. Nay số ngày công giảm xuống còn 17 - 19 ngày/tháng, thu nhập sụt giảm. Tuy nhiên, nhà máy vẫn duy trì hoạt động để công nhân có việc làm” - chị Trần Thị Lê (công nhân Nhà máy đông lạnh thủy sản Đại Tây Dương, thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt) chia sẻ.

Hiệp hội Thủy sản An Giang động viên bà con duy trì sản xuất, chờ tín hiệu thị trường

Nỗ lực vượt khó để duy trì sản xuất, mặc cho thị trường xuất khẩu gặp khó. 10 tháng đầu năm 2023, giá xuất sản phẩm fillet vào thị trường Mỹ bình quân chỉ còn 2,92 USD/kg (giảm 44% so với cùng kỳ năm 2022); thị trường Trung Quốc chỉ còn 2,09 - 2,1 USD/kg. Xuất khẩu gặp khó, việc duy trì sản xuất tại các vùng nuôi cá tra phục vụ cho chế biến cũng phải điều chỉnh theo hướng nuôi quãng canh, thả mật độ thưa. Công nhân luân phiên nghỉ để giảm bớt áp lực tiền lương cho DN.

“Tôi hài lòng với cách ứng xử của công ty. Khó khăn thì ai cũng khó, vấn đề ở đây là cùng nhau chia sẻ khó khăn để vượt lên hoàn cảnh. Hiện, mỗi tháng tôi chỉ đi làm được 15 - 18 ngày, các ngày còn lại đi làm hồ, đi theo máy gặt đập liên hợp để cuộc sống vẫn đảm bảo” - anh Trần Văn Tuấn (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) bộc bạch.

Phát triển bền vững

Để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, các DN nuôi và chế biến cá tra trong tỉnh đã tái cấu trúc ngành hàng của mình theo hướng phát triển bền vững. Một mặt, duy trì nuôi, chế biến cá theo đúng định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc khác đẩy mạnh tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu lẫn thị trường trong nước.

Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang, DN tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, tài nguyên nước, nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực bằng cách ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sản bền vững. Đẩy mạnh phát triển thủy sản từ chiều rộng sang chiều sâu với ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nội địa và xuất khẩu.

Các DN đẩy mạnh chương trình giống cá tra 3 cấp để có được con giống khỏe, con giống sạch bệnh, phát triển nuôi nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ hao hụt. Chú trọng phát triển thị trường nội địa bằng nhiều sản phẩm khác nhau, ngoài cá nguyên con, DN sẽ phối hợp với các đầu mối, chợ truyền thống, các siêu thị tiện ích để đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng nội địa.

"Việt Nam đã có 100 triệu dân, đây là thị trường lớn để đưa sản phẩm cá tra phục vụ người tiêu dùng nội địa. Tại miền Bắc, Nam Việt đã mở thị trường này trong hơn 5 năm qua. Hiện, tập đoàn đang phối hợp với một số DN tiếp tục mở thị trường khu vực phía Nam, đưa cá tra phục vụ người tiêu dùng trong nước với nhiều sản phẩm đa dạng” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, ngoài nỗ lực của DN, ngư dân, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu cá tra thông qua việc tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã kết ký để mở rộng phát triển giao thương. Tiếp tục câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra, phân phối sản phẩm thủy sản qua hệ thống OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Mega Maket, WinMart, Bách Hóa Xanh, Co.op mart… nhằm nâng cao thị phần sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa.

THUẬN THẢO -  MINH HIỂN