Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành y tế được thực hiện dưới nhiều hình thức. Theo Chủ tịch Công đoàn ngành y tế An Giang Dương Thị Thu Cúc, tác động tích cực từ phong trào này là phát huy những giá trị cao đẹp của người thầy thuốc trong thực thi các kế hoạch, chương trình hành động của ngành y tế để phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Trong học tập và làm theo Bác, công đoàn đã chọn biểu dương 4 cá nhân điển hình. Họ là những người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đổi mới phương pháp công tác và lề lối làm việc. Các đoàn viên trong cương vị là bí thư chi bộ, lãnh đạo đơn vị luôn nỗ lực là trung tâm đoàn kết, gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ, định hướng các hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tế triển khai tại đơn vị.
Biểu dương các cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo
Nhìn lại 2 năm qua, cũng là giai đoạn khó khăn, áp lực nhất đối với ngành y tế. Nhờ có những quán triệt sâu sắc về nâng cao y đức nên dù luôn trong tình trạng quá tải, phải làm việc với công suất gấp 2 lần so với quy định nhưng đa số các cán bộ, y, bác sĩ luôn thể hiện tinh thần thương yêu người bệnh, được bệnh nhân tin yêu.
Vượt qua những khó khăn để giữ vững phẩm chất của người thầy thuốc, họ càng khẳng định trau dồi y đức đối với cán bộ y tế không phải là việc làm ngày một, ngày hai mà cả một cuộc đời. Bởi lẽ, mỗi cán bộ y tế đã khoác trên mình bộ áo trắng, là đã mang trọng trách lớn lao với nhân dân và luôn nhớ nghề y là một nghề cao quý, người cán bộ y tế phải luôn trau dồi y đức để xứng đáng với sự cao quý đó như lời dạy của Bác Hồ.
Giai đoạn 2021-2022, có 50 công chức, viên chức, người lao động thuộc 16 công đoàn cơ sở gửi hồ sơ đề nghị Hội đồng xét duyệt sáng kiến, kinh nghiệm hưởng ứng phong trào nói trên. Kết quả đã xét chọn được 33 cá nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo. “Việc xét chọn căn cứ dựa trên tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng rộng rãi và hiệu quả mang lại của các giải pháp kỹ thuật, các đề tài nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2021-2022 do các cá nhân sáng tạo thực hiện”- bà Dương Thị Thu Cúc cho biết.
Các giải pháp, đề tài tập trung vào những lĩnh vực chính, như: Cách thức giải pháp kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật; cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc lĩnh vực hoạt động của ngành y tế; các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc ngành y tế; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật mới vào thực tiễn hoặc cải tiến, khắc phục những nhược điểm của giải pháp đang thực hiện; giải pháp trong phòng, chống dịch COVID-19…
Điển hình như đề tài khoa học “Nghiên cứu áp dụng thở ô-xy dòng cao qua mũi trên bệnh nhân suy hô hấp tại Khoa Hồi sức - Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang” của bác sĩ Phạm Ngọc Kiếu có giá trị làm lợi 60 triệu đồng. “Đây là phương pháp thở máy không xâm lấn rất dễ sử dụng, dễ cài đặt, hầu hết các bệnh nhân dung nạp tốt, theo dõi dễ dàng, có thể sử dụng từ tuyến tỉnh đến huyện, nhất là nơi được phân công là tầng 2 trong tháp 3 tầng điều trị COVID-19 hiện nay”- bác sĩ Kiếu thông tin.
Tại Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm An Giang, đã có rất nhiều nghiên cứu về đột quỵ não nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các vấn đề chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng… mà chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể để đánh giá sự hiểu biết của người bệnh về các dấu hiệu đột quỵ và các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nhập viện của người bệnh đột quỵ não.
Do đó, bác sĩ Phan Đăng Khoa (Khoa Nội thần kinh) đã đưa ra giải pháp đánh giá sự hiểu biết về dấu hiệu đột quỵ trên người bệnh đột quỵ não, từ đó thực hiện các cách thức tuyên truyền giáo dục sức khỏe, kiến thức cho người bệnh về đột quỵ não. Ưu điểm của giải pháp là xác định các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian nhập viện của người bệnh đột quỵ não, giúp người bệnh nhập viện vào “thời gian vàng”, tiếp cận sớm phương thức điều trị tiêu sợi huyết.
“Những đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực y tế mang lại hiệu quả cao cho đơn vị và phục vụ tốt trong quá trị điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Qua đó, tổng giá trị làm lợi, tiết kiệm chi phí từ các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, giải pháp, cải tiến kỹ thuật mang lại ước tính hàng tỷ đồng. Phong trào này được công đoàn ngành y tế tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm củng cố niềm tin và sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình, là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân”- bà Dương Thị Thu Cúc đánh giá.
MỸ HẠNH