Ngày 23-7-1980: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Tuân thực hiện chuyến bay vào vũ trụ

23/07/2022 - 08:30

Ngày 23-7-1980, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-7

Sự kiện trong nước

 - Ngày 23-7-1910, ngày sinh Giáo sư Tạ Quang Bửu, ông sinh ra và lớn lên tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống hiếu học.

Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Ông từng học các trường nổi tiếng nhất trong nước như: Quốc học Huế, Trường Bưởi trước khi nhận được học bổng du học tại Pháp năm 1929. Sau đó, ông tiếp tục theo học ngành Vật lý và nhận được học bổng của Trường Đại học Oxford tại Anh (1930-1934).

Sau thời gian học tập tại nước ngoài, năm 1934 trở về nước, ông từ chối lời mời ra làm quan mà làm nghề dạy học tại Trường tư thục Phú Xuân, sau là Trường Thiên Hựu ở Thừa Thiên Huế.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ảnh tư liệu

Tháng 8-1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Và từ đây, ông đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.

Từ năm 1945 cho đến năm 1976, ông được phân công làm Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách quan hệ với Anh, Mỹ, đại diện Việt Nam ký Hiệp định Geneve, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá I cho đến khoá VI…

Với những cống hiến lớn lao đối với đất nước và nhân dân, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và các huân, huy chương cao quý khác…

Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời ngày 21-8-1986, thọ 76 tuổi. Tên của ông được đặt cho gần 30 con phố, trường học, thư viện, công trình ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

- Ngày 23-7-1951, ngày mất nhà hoạt động cách mạng Hồ Tùng Mậu. Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên khai sinh là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15-6-1896, tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

 Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu. Ảnh tư liệu

Trọn cuộc đời tham gia cách mạng 31 năm không ngừng nghỉ, đồng chí Hồ Tùng Mậu từ một người yêu nước đã trở thành một chiến sĩ cộng sản, một cán bộ lão luyện trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 23-7-1951, trên đường đi công tác ở Khu IV, đồng chí đã hy sinh khi trúng đạn của máy bay Pháp.

 (Theo: TTXVN; dbndnghean.vn; hcmcpv.org.vn)

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23-7-1962, Hiệp định Geneve về Lào được ký, gồm hai văn kiện: Tuyên bố về nền trung lập của Lào và Nghị định thư kèm theo.

Hiệp định Geneve về Lào năm 1962 là hiệp định quốc tế xác nhận và phát triển thêm những điểm cơ bản trong Hiệp định Geneve về Đông Dương năm 1954. Ký tại Hội nghị quốc tế về Lào tại Geneve, từ tháng 5-1961 đến tháng 7-1962.

Hiệp định Geneve về Lào đánh dấu những thất bại quân sự của phái hữu Lào và đế quốc Mỹ (giai đoạn 1960-1962), mà đặc biệt là thất bại trong Chiến dịch Nậm Thà (từ ngày 2 đến ngày 8-5-1962). Các bên tham dự Hội nghị đã thỏa thuận nội dung của bản tuyên bố, công nhận và tôn trọng chủ quyền, độc lập, trung lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào; cam kết tuân thủ một số nguyên tắc và điều kiện liên quan đến nền độc lập và trung lập của Lào.

Nghị định thư nêu những quy định cụ thể nhằm bảo đảm nền trung lập của Lào, bao gồm việc rút quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài 30 ngày sau khi các đội kiểm tra của Ủy ban Quốc tế được thiết lập, thả tù binh, quy định tổ chức và chức năng, quyền hạn của Ủy ban Quốc tế.

Tuy nhiên, do đế quốc Mỹ và phái hữu Lào phá hoại (bằng việc ném bom năm 1964, tiến công vùng giải phóng năm 1969), nên Hiệp định Geneve về Lào năm 1962 trong thực tế không được thực hiện.

- Ngày 23-7-1980, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Ông trở thành người Việt Nam, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Trên chuyến bay ông mang theo Lá cờ Tổ quốc, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác…

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Viktor Vassilyevich Gorbatko. Ảnh tư liệu 

Trong 8 ngày trên không gian, ông đã thực hiện 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất, chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất, tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học có giá trị như: Thí nghiệm Hạ Long 1, Hạ Long 2, thí nghiệm hồ quang, thí nghiệm phân cực... Ngoài ra, ông còn phải tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực… 

Chuyến bay đã trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay. Chuyến bay đầu tiên này cũng là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam.

(Theo vietnamnet.vn; vtv.vn; tuyengiao.vn; dangcongsan.vn)

Theo dấu chân Người

- Ngày 23-7-1946, tại Paris Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiếp xúc với báo chí, các chính khách và đi thăm “Bảo tàng tượng sáp” ở Paris, nơi lưu giữ các tượng bằng sáp các nhân vật nổi tiếng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ và các cháu thiếu nhi nhà máy thủy điện ở Armenia, trong chuyến đi thăm và nghỉ tại Liên Xô, ngày 22-7-1959. Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao

- Ngày 23-7-1959, tiếp tục chuyến thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Yerevan, thủ đô của nước Cộng hòa Armenia đến thành phố Baku, thủ đô của nước Cộng hoà Azerbaijan và thăm quan khu mỏ khai thác dầu nổi tiếng ở phía Bắc thành phố.

- Ngày 23-7-1961, Bác tham dự cuộc mít tinh của 25 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình, nhân kỷ niệm 7 năm ký kết Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Phát biểu tại đây, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai”. Sau đó, Người bắt nhịp để mọi người hát bài ca “Kết đoàn”. 

(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

 “Chúng ta phải học tinh thần tự lập tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn… Chúng ta phải bồi dưỡng lòng nồng nàn yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”

Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nói trong Báo cáo về việc đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm Liên Xô và Trung Quốc, ngày 23-7-1955 ở Quảng trường Thụy Khuê (Hà Nội).

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô, ngày 12-7-1955. Ảnh tư liệu 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là kết quả của sự đoàn kết, anh dũng chiến đấu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Qua đó, Người đã khích lệ, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần phải khắc phục tâm lý trông chờ, ỉ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các nước bạn; mà cần phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, tự cường, lòng yêu nước và tinh thần quốc tế trong sáng để tiếp tục phấn đấu giành nhiều thắng lợi hơn nữa cho cách mạng nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (tháng 4-1959). Ảnh tư liệu

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta; ngày đầu thành lập, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm; thi đua giết giặc lập công; sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân và đặc biệt, là sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng với toàn Đảng, toàn dân đánh thắng đế quốc, thực dân xâm lược, giải phóng đất nước, lập nên truyền thống vẻ vang “quyết chiến, quyết thắng”, luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Hiện nay, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. 

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 765 ra ngày 23-7-1960 đăng tin với tiêu đề “Hồ Chủ tịch đã đến thăm và khen ngợi Đại hội làm việc có kết quả”.

[Ngày 23-7-1980: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng, phi công Phạm Tuân thực hiện chuyến bay vào vũ trụ]
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-7-1960.

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1575 ra ngày 23-7-1965 đăng tin với tiêu đề “Hồ Chủ tịch thăm bộ đội Phòng không”. 

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-7-1965.

 Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2573 ra ngày 23-7-1968 đăng bức thư của Hồ Chủ tịch khen quân và dân Nghệ An bắn rơi 400 máy bay Mỹ”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 23-7-1968.

Theo HOÀNG TRƯỜNG (Quân đội nhân dân)