Với 6 món đồ gồm: mảnh vỡ xuồng độc mộc, tượng đá có mặt tề thiên, bàn nghiền đá... được lưu giữ tại gia đình trên 15 năm, ông Văng Công Trạc (ngụ xã Phú Thuận, Thoại Sơn) đã quyết định hiến tặng hết cho BQL DTVH Óc Eo. Đây là việc làm đáng trân trọng, cần nhân rộng và phát huy để nhiều người hiểu thêm về tầm ảnh hưởng của các hiện vật cổ xưa.
“Từ ngày đào được cổ vật, tôi cất rất kỹ. Phần thì sợ kẻ gian trộm mất, phần để tránh tai mắt của những người chuyên thu mua đồ cổ. Những “tay săn đồ cổ” chuyên nghiệp thường lân la quanh khu vực này. Giữ cổ vật trong nhà mà tôi sợ mình không bảo tồn được, nếu bán thì bao nhiêu tiền cũng xài hết. Cách tốt nhất là mang tất cả hiến tặng cho BQL DTVH Óc Eo, nhằm góp phần bảo tồn, lưu giữ hiện vật an toàn nhất để thế hệ sau biết nhiều hơn về nền VH từng rất rực rỡ trên Vương quốc Phù Nam xưa kia. Khi nhận được thư mời khen thưởng, tri ân vì đã hiến tặng hiện vật, tôi rất vui. Đây là động lực để tôi ra sức bảo vệ và nhắc nhở con cháu giữ gìn, phát huy giá trị của VH Óc Eo” - ông Trạc chia sẻ.
Người dân tặng hiện vật được tri ân
Cùng suy nghĩ như ông Trạc, rất nhiều người đã hưởng ứng cuộc kêu gọi, hiến tặng hiện vật Óc Eo. Năm 2017 vừa qua, tổng số hiện vật bà con hiến tặng là 2.195. Như vậy, chỉ sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Nhân dân hiến tặng hiện vật để trưng bày”, BQLDT VH Óc Eo đã tiếp nhận được 8.036 hiện vật, gần 3 bao mảnh gốm. Trong đó nhiều nhất là chuỗi thủy tinh nhiều màu, gạch kiến trúc, vòi bình kendy...
Giám đốc BQL DTVH Óc Eo Nguyễn Hữu Giềng cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động sưu tầm hiện vật và hình ảnh về VH Óc Eo như: tổ chức khai quật khảo cổ, điều tra, điền dã, vận động Nhân dân hiến tặng hiện vật. Các hoạt động này được bà con Nhân dân, tích cực hưởng ứng. Trong những hiện vật được hiến tặng lần này, chúng tôi đã chọn hơn 200 hiện vật tiêu biểu, đặc trưng nhất để trưng bày. Các hiện vật có nhiều chất liệu và đa dạng về loại hình, bao gồm: đồ dùng sinh hoạt, sản xuất, đồ dùng thờ cúng và dùng trong nghi lễ tôn giáo... Việc trưng bày hiện vật của bà con hiến tặng nhằm giới thiệu, khẳng định và ra sức bảo tồn nền VH Óc Eo. Đây còn là dịp để người dân hưởng thụ được nhiều tri thức khoa học, VH nghệ thuật”.
Có thể nói, nhận thức của người dân trong việc giữ gìn hiện vật Óc Eo đã nâng cao rất nhiều thông qua việc hiến tặng. Ví dụ như gia đình ông Văng Công Trạc, ngoài ông hiến tặng hiện vật thì con gái ông Trạc là Văng Thị Lan Anh (ngụ xã Phú Thuận) noi theo cha, hiến tặng thêm 3 cọc gỗ. Không riêng gì gia đình ông Trạc, nhiều người dân ở các xã lân cận cũng nhiệt tình tham gia hiến tặng. Đó là ông Võ Thành Tâm ngụ xã Định Mỹ (1 nồi nấu kim loại Óc Eo, 1 tượng giả cổ, 1 lọ giả cổ); ông Huỳnh Văn Cường ngụ xã Bình Thành (117 chuổi nhiều màu); ông Dương Hồng Giang ngụ thị trấn Óc Eo (1 tô gốm)... Đặc biệt còn có sự hiến tặng hiện vật của ông Châu Bân (2 rìu đá). Tuy là người ở tận xã Thới Sơn (Tịnh Biên) nhưng ông Châu Bân đã đích thân mang hiện vật đến hiến tặng cho BQL DTVH Óc Eo.
“Thời gian qua, với chủ trương của tỉnh và huyện Thoại Sơn, BQL DTVH Óc Eo đã quan tâm rất nhiều đến việc quy tập, trưng bày hiện vật của Nhân dân hiến tặng. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều người tham gia hiến tặng hiện vật hơn nữa vì đó là tài sản vô giá của nền VH cổ. Bên cạnh đó, mọi người cần ra sức giữ gìn và phát huy giá tri tinh thần, vật chất mà hiện vật Óc Eo để lại” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Hồng Khâm nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN