Ngày mới của chiến sĩ mới

11/03/2024 - 06:12

 - Nhập ngũ khoảng 10 ngày nay, các thanh niên đã dần hình dung được môi trường quân đội là gì, bản thân cần phải học tập, rèn luyện thế nào để trở thành người lính. Mỗi ngày trôi qua đều mang đến sự mới mẻ với từng chiến sĩ, có rất nhiều điều cần tiếp cận, tìm hiểu…

Những người bạn mới

21 tuổi, đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, Huỳnh Hữu Nhàn (quê thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới) trở về địa phương, tình nguyện viết đơn thi hành nghĩa vụ quân sự. Anh được biên chế về Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 892 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang).

“Tôi đã từng sinh hoạt tập thể cùng đồng nghiệp trong công ty, như cùng vào ca làm, cùng ăn trưa, cùng nghỉ ngơi. Thông thường, mạnh ai nấy hoàn thành phần của mình, đôi lúc khá lộn xộn. Ngược lại, khi cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng chí, đồng đội trong tiểu đội, tôi cảm nhận được sự ngăn nắp, kỷ luật cao. Tất cả đều thức dậy cùng giờ, thực hiện các chế độ trong ngày đồng loạt với nhau, đã dần ra dáng người lính” - Nhàn chia sẻ.

Tương tự như Nhàn, Nguyễn Chánh Tính (ngụ xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) có thu nhập ổn định từ nghề bán hàng. Nhưng khi Tổ quốc gọi, anh sẵn sàng gác lại công việc, hăng hái nhập ngũ. Anh hòa vào môi trường tập thể, bắt đầu “chuyến trải nghiệm” đáng nhớ của thời thanh xuân.

Sau vài ngày, anh đã gắn bó những đồng đội mới: “Mới nhập ngũ, chúng tôi đều không biết gì, bỡ ngỡ vô cùng. Người sát cánh nhất với chúng tôi là tiểu đội trưởng. Chúng tôi được quan tâm, hướng dẫn từ điều nhỏ nhất. Ban đêm, đồng chí nào ngủ quên, để tay ra vách mùng, tiểu đội trưởng phát hiện sẽ kéo tay xuống để tránh bị muỗi chích. Thường, chỉ có người nhà mới quan tâm đến vậy, nên chúng tôi rất yên tâm rèn luyện, sinh hoạt ở môi trường mới”.

Tập thể dục buổi sáng

Từng tham gia dân quân thường trực Ban Chỉ huy Quân sự xã Cần Đăng (huyện Châu Thành), Nguyễn Trọng Hữu không quá bỡ ngỡ khi nhập ngũ. Nhưng nỗi nhớ nhà vẫn lẩn quẩn trong tâm trí anh.

“Bù lại, tôi gặp gỡ, thân thiết với đồng đội mới, gồm đồng chí Võ Trường Chinh, Võ Tuấn Kiệt. Cùng trang lứa với nhau, ai cũng hòa đồng, vui vẻ, nên chúng tôi rất hợp tính, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong mọi công việc. Tình bạn này là động lực để vượt qua giai đoạn ban đầu ở đơn vị, cùng phấn đấu hoàn thành tốt 2 năm nghĩa vụ quân sự” - Hữu bày tỏ.

Hữu, Chinh, Kiệt được sắp xếp vào “Tổ 3 người” trong tiểu đội. Cứ 3 chiến sĩ được bố trí vào 1 tổ (1 tổ trưởng, 2 tổ viên). Mỗi chiều, thành viên trong tổ hội ý, chia sẻ tâm tư, khó khăn, vướng mắc cùng nhau. Nhờ vậy, họ gần gũi, thân thiết với nhau hơn. Đây cũng là “tổ chức” nhỏ nhất trong đơn vị quân đội, góp phần nắm bắt tâm tư của chiến sĩ, kịp thời giúp cấp trên xử lý hiệu quả vấn đề phát sinh.

Những bài học mới

Thiếu tá Đinh Văn Phú, Chính trị viên Tiểu đoàn 512 cho biết: “Chúng tôi phân công cán bộ trực tiếp tiếp cận, nắm rõ hoàn cảnh gia đình, phân loại chiến sĩ mới để cùng động viên, giúp đỡ chiến sĩ thời gian đầu nhập ngũ. Đồng thời, đơn vị tạo môi trường sinh hoạt vui tươi, mới lạ, giúp chiến sĩ vơi dần nỗi nhớ nhà, cảm nhận được sự tốt đẹp, lành mạnh của quân ngũ, nhanh chóng và an tâm hòa nhập”.

Ròng rã 1 tuần luyện tập, Nguyễn Văn Nhựt mới biết cách gấp nội vụ tương đối ngay ngắn. “Khó nhất là gấp mền, vì nếu mền không vào nếp, không vuông góc thì những món khác rất khó vào nếp. Hiện giờ, chúng tôi vẫn đang luyện tập liên tục, chắc chắn sẽ thành thục trong vài tuần nữa” - Nhựt khẳng định.

Quần áo treo thế nào, giặt phơi ở đâu, giày dép sắp xếp ra sao… là những bài học “vỡ lòng” của chiến sĩ mới. Kế tiếp là nhiều buổi học thể dục, điều lệnh, tuân thủ các chế độ trong ngày, trong tuần. Cùng một lúc không thể nào tiếp thu hết, nên cán bộ tiểu đội, trung đội thường xuyên theo sát, nhắc nhở từng chút, từng phút.

Cũng trong những ngày đầu, bài học chính trị quan trọng nhất của chiến sĩ mới là tìm hiểu lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của đơn vị. Trong hội trường, ngoài tiếng giảng bài của cán bộ, là tiếng ghi chép sột soạt: Với bề dày lịch sử hơn 40 năm, Trung đoàn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và các nhiệm vụ khác được giao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng của tỉnh…

Nhiều tướng lĩnh cấp cao của quân đội, của lực lượng vũ trang tỉnh trưởng thành từ Trung đoàn. Những thành tích to lớn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “góp nhặt” qua nhiều năm, nhiều chặng đường… được chia sẻ cụ thể, đầy đủ cho lớp chiến sĩ vừa đến với Trung đoàn.

“Mỗi buổi lên lớp, chúng tôi hiểu thêm về đơn vị, nảy nở lòng tự hào về nơi mình nhập ngũ. Để tiếp nối truyền thống vẻ vang của Trung đoàn, chúng tôi sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Trần Huỳnh Tiến Thịnh quyết tâm.

Đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành huấn luyện thể thao, Thịnh sớm định hướng học tập văn bằng 2, cống hiến lâu dài trong quân đội, thực hiện ước mơ trở thành người lính cụ Hồ. Vì vậy, anh tiếp cận rất nhanh với các bài học chính trị và thể lực.

Sẽ còn nhiều bài học mới, trải nghiệm mới chờ đợi chiến sĩ mới phía trước. Một mùa ra quân huấn luyện mới cũng đang đến. Thông qua các cuộc phỏng vấn, Nhàn, Tính, Hữu, Kiệt… đều gửi lời nhắn nhủ đến gia đình: “Mọi người yên tâm, chúng tôi đang hòa nhập tốt với môi trường quân đội. Thể lực được nâng lên, nếp sống khoa học, ngăn nắp hơn, lại có bạn bè đồng đội cùng chia sẻ. Nhất định, 2 năm sau, chúng tôi sẽ tốt hơn phiên bản cũ của chính mình”.

GIA KHÁNH