Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4): Việt Nam thành công trong chăm sóc y tế toàn dân

07/04/2022 - 07:57

Ngày Sức khỏe Thế giới hay còn gọi là Ngày Y tế Thế giới (World Health Day) được tổ chức vào ngày 7 tháng 4 hằng năm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bắt đầu từ năm 1950.

Vào dịp Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2022, WHO tập trung vào việc nâng cao nhận thức về tình trạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới không được hưởng sự chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong khi đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. 

Các y bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Thế giới – 1/2 số dân thiếu dịch vụ y tế thiết yếu

Theo WHO, một nửa dân số thế giới không được quan tâm về các dịch vụ y tế thiết yếu. Bởi vậy, Ngày Sức khỏe Thế giới 2022 có chủ đề “Bảo hiểm sức khỏe toàn dân” (chủ đề của năm 2017 là “Phòng, chống trầm cảm”, năm 2018 - “Sức khỏe cho tất cả”, năm 2019 - “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, năm 2020 - “Chăm sóc sức khỏe toàn dân”, năm 2021 - “Xây dựng một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn”).

Năm nay, WHO nỗ lực hướng tới việc đạt được mục tiêu “Bảo hiểm sức khỏe toàn dân” bằng cách nâng cao nhận thức rằng sức khỏe là quyền của con người và mọi người cần được tiếp cận sự chăm sóc phù hợp đúng thời điểm và đúng nơi.

Theo cách biểu của WHO, bảo hiểm y tế toàn dân có nghĩa là mọi người có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà không gặp khó khăn về tài chính; toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe bao gồm thúc đẩy các sáng kiến chăm sóc sức khỏe, cung cấp các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo điều trị, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ có thể tiếp cận được với chi phí có thể kiểm soát được.

Thực tế cho thấy, những người sống trong cảnh nghèo đói thường bán gần như toàn bộ tài sản và tiêu hết tiền tiết kiệm để đáp ứng các chi phí chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể giúp họ bảo đảm sức khỏe và vượt qua tình trạng hiện tại, nhưng họ phải trả giá bằng việc phải đối mặt với khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Bảo hiểm sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng và cải thiện sức khỏe cũng như cuộc sống của mọi người; hướng tới việc bảo vệ mọi người khỏi hậu quả từ việc phải chi một khoản tiền khổng lồ cho việc chăm sóc sức khỏe.

Chủ đề Ngày sức khỏe thế giới 2022 của WHO - Bảo hiểm sức khỏe toàn dân - đồng bộ với các Mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc (The Sustainable Goals is a United Nations), là 17 mục tiêu mà các quốc gia cần phải đạt được đến năm 2030. Trong số này có: No Poverty – Không đói nghèo; Good Health and Well-being – Sức khỏe tốt và Hạnh phúc; Clean Water and Sanitation – Nước sạch và Vệ sinh…

Theo cách tính của WHO, Bảo hiểm sức khỏe toàn dân được đo lường như sau: các quốc gia có những thách thức khác nhau và có cách đo lường mức độ bao phủ sức khỏe toàn dân theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, cần phải có một số tiêu chuẩn nhất định, do đó, hai điểm sau được nhấn mạnh nhằm đo lường tiến trình của chiến dịch: Proportion of the population that has access to quality health care – Tỷ lệ dân số được chăm sóc sức khỏe có chất lượng; Proportion of population that spends a huge chunk of income on health – Tỷ lệ dân số chi một phần lớn thu nhập cho y tế.

Bảo hiểm sức khỏe toàn dân là cách tốt nhất để đảm bảo tài chính trong trường hợp xảy ra rủi ro liên quan đến chăm sóc y tế.

Từ năm 2019, WHO và các đối tác đã đưa ra 10 vấn đề trong lĩnh vực y tế cần được quan tâm đặc biệt, trong đó có tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu thường là nơi đầu tiên người dân tiếp xúc với hệ thống y tế. Lý tưởng nhất là công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện, chi phí hợp lý và hướng tới cộng đồng trong suốt cuộc đời.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu y tế trong suốt cuộc đời của một người. Cần phải có hệ thống y tế với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt nhằm đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quốc gia vẫn chưa có đủ cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vấn đề này có thể là do các nước với mức thu nhập thấp và trung bình không nắm đủ nguồn lực, nhưng cũng có thể do các nước này chỉ tập trung vào từng chương trình phòng, chống bệnh riêng trong suốt nhiều thập kỷ.

Tháng 10/2018, WHO đồng tổ chức Hội nghị toàn cầu tại Astana (Cộng hòa Kazakhstan). Tại đây tất cả các quốc gia đã cam kết làm mới những cam kết đã được đưa ra về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Tuyên bố Alma-Ata năm 1978.

Năm 2019, WHO tiếp tục phối hợp với các đối tác nhằm khôi phục lại và tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các quốc gia, đồng thời theo dõi việc thực hiện các cam kết cụ thể trong Tuyên bố Astana.

Thành tựu của Việt Nam về chăm sóc sức khỏe toàn dân

Ngày 23/9/2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Bộ trưởng Y tế Việt Nam đã dự phiên toàn thể cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Với chủ đề “Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn”, hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Việt Nam nêu rõ: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ trung ương đến địa phương với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình. Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 73/100 điểm, khá cao so với mức chung ở Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100.

Chương trình Bảo hiểm y tế đã đạt mức 90% dân số tham gia và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo.

Nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành y tế nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh.

Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng về chăm sóc sức khỏe cho người dân; hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt Mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ ưu tiên và đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng kể, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Việt Nam có thể sẽ trở thành nước đi đầu trong việc bao phủ y tế toàn dân bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc dựa vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cả công và tư.

Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; cam kết đạt sự bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030 và đang đang trên đà đạt được mục tiêu này.

Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Theo đó, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ quan trọng – tỷ lệ tham gia bảo hiểm và các nguồn ngân sách hỗ trợ đã và đang gia tăng nhanh chóng; trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam cũng đã chú trọng đầu tư cho cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế…) và nguồn nhân lực y tế.

Theo WB, trên lộ trình của Việt Nam tiến tới bao phủ y tế toàn dân vào năm 2030 có việc tăng bề rộng bao phủ của bảo hiểm y tế; tăng đáng kể mức ngân sách chung dành cho trợ cấp mua bảo hiểm đối với đối tượng cận nghèo hoặc lao động phi chính thức; tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo hiểm y tế cho cả cơ sở y tế và đối tượng thụ hưởng; khuyến khích tham gia mua bảo hiểm cho cả hộ gia đình; tăng cường tuân thủ tham gia bảo hiểm ở nhóm bảo hiểm bắt buộc, đặc biệt là khối lao động chính thức; nâng cao công bằng và bảo đảm tài chính - tăng cường triển khai chính sách đồng chi trả, có cơ chế khiếu nại rõ ràng; có chế độ hỗ trợ cho những trường hợp có chi phí y tế cao…

Số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong những năm qua số người tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta tăng đáng kể.

Năm 2020, nhóm đối tượng tham gia do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng và do ngân sách nhà nước đóng đã đạt mức bao phủ 100% số người tham gia. Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động và người lao động đóng đạt mức bao phủ 91,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.

Nhóm đối tượng tham gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng đạt mức bao phủ là 94,11% trên tổng số người thuộc diện tham gia, trong đó có đối tượng hộ gia đình cận nghèo và hộ gia đình nghèo đa chiều đã đạt mức bao phủ bảo hiểm y tế là 100%. Nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đạt mức bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia.

Nhóm đối tượng cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an đạt mức bao phủ 100%. Nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng là hơn 51 triệu người, chiếm 58,08% tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Đến đầu năm 2021, tổng số đối tượng tham gia được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt 90,05% dân số.

Theo TRẦN QUANG VINH (TTXVN)