Nghề báo - khó khăn nhưng đầy đam mê

21/06/2021 - 04:53

 - Khi đã bước vào nghề báo, những người làm báo đều hiểu rằng, đây là nghề của sự dấn thân. Bởi có dấn thân mới cho “ra đời” những “đứa con tinh thần” ưu tú nhất. Suốt hành trình gắn bó với nghề, chúng tôi luôn có những kỷ niệm buồn, vui trong nghề không thể nào nói hết trong khuôn khổ một bài viết. Nhưng với lòng yêu nghề, mọi khó khăn chỉ là thử thách, là ngọn lửa giúp nhóm thêm tình yêu với nghề mà mình đã chọn.

Phóng viên tác nghiệp (ảnh chụp trước khi có dịch bệnh COVID-19)

Quanh năm chạy theo dòng sự kiện, theo từng "nhịp thở" cuộc sống, có người hỏi rằng: “Nghề làm báo có gì vui mà phải dấn thân?”. Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 _ 21-6-2021), cho chúng tôi nói về nghề của chúng tôi. Không phải để thương cảm, mà chỉ là chia sẻ đôi dòng tâm sự về nghề, để có dịp nhìn lại rằng, mình đã đi trên con đường này thế nào và mai đây sẽ trưởng thành với nghề ra sao…

Vào nghề từ năm 2013, đến nay, mỗi lần nhớ lại những ngày đầu khi cầm hồ sơ xin việc đến tòa soạn Báo An Giang, tôi được người đứng đầu toàn soạn hỏi rằng: “Cháu có biết công việc mình xin làm là gì không?”. “Dạ, là làm phóng viên!”. Lúc ấy tôi không chần chừ mà trả lời ngay như vậy. Nhưng để có thể mường tượng hết công việc của người phóng viên thì… mãi sau này tôi mới hiểu hết. Không phải ngồi nhà và gõ những con chữ bằng trí tưởng tượng bay bổng, mà nghề báo là nghề của những chuyến đi. Có người nói vui rằng, nghề báo là nghề của “những đôi chân không nghỉ”. Bất luận xa gần, mỗi chuyến đi đều cho người làm báo những trải nghiệm đáng quý trên hành trang nghề, để trưởng thành rèn bản lĩnh tốt hơn.

Phóng viên Phạm Thị Hồng Anh (công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang) chia sẻ, thấm thoát đã gắn bó với báo hình được 10 năm. “Không biết tự bao giờ, tôi cảm thấy “thương” nghề làm báo vô cùng. Mặc cho nhiều người bảo rằng, đó là nghề khó nhọc, là phụ nữ, trụ được với nghề thì lại càng khó khăn. Với tôi, “sướng” nhất của nghề báo là được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, biết nhiều thông tin, nhiều trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp. Quá trình đó, thuận lợi có, khó khăn cũng không ít, nhất là với phóng viên nữ. Không nói đến chuyện mưa nắng gì cũng phải đi công tác thì chuyện làm sao để hài hòa giữa công việc và gia đình, đòi hỏi phải đủ bản lĩnh. Điều tôi cảm thấy tự hào nhất khi làm nghề báo là được chia sẻ những tin tức thời sự diễn ra hàng ngày, những câu chuyện đẹp, những việc làm ý nghĩa đến khán giả và được khán giả đón nhận” - Hồng Anh bộc bạch.

Với người làm báo, những chuyến đi cho tôi những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống,  “hiểu mình, hiểu đời”, biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh. Dù bạn chủ động chọn nghề hoặc nghề chọn bạn, thì một nhà báo sẽ không sống được với nghề nếu không có lửa đam mê. Được nói, được nghĩ, được viết, được thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình qua từng trang viết - đó là vinh quang riêng của những người làm báo. Nhưng đi kèm với đó là những khó khăn không phải ai cũng biết. “Làm sao để tìm đề tài? Làm thế nào để câu chữ không bị trùng lặp? Làm thế nào để mỗi bản tin, bài viết luôn có tính mới, sáng tạo, bắt nhịp thời sự?...” là những câu hỏi không dễ trả lời, nhất là với phóng viên mới vào nghề.

Khi đã thỏa mãn các câu hỏi trên thì để bài viết đạt yêu cầu, trong quá trình viết, người viết không ngừng tư duy. “Nhiều lần bài viết chưa vừa ý, trong giấc ngủ chập chờn, đột nhiên nảy ra ý mới, tôi phải bật dậy, chỉnh sửa bài viết trong màn đêm khuya khoắt. Bỏ qua những khó khăn đặc thù của phụ nữ khi đến với nghề báo, nghề này cho tôi sự trưởng thành, biết đấu tranh cho lẽ phải và lên tiếng cho những phận đời kém may mắn. Với bất kỳ nghề nào, sự đam mê cũng là cần thiết. Nhưng tôi cho rằng, nghề báo cần lắm sự đam mê, nhiệt huyết và sự dấn thân” - phóng viên Ngọc Diễm (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) tâm sự.

Nhiều người cho rằng, viết báo là nghề nhẹ nhàng, sung sướng. Thật ra, nghề báo có nhiều khó khăn, vất vả. Để có một bài báo hay, tự thân người viết phải đầu tư nhiều công đoạn từ lên đề tài, suy nghĩ hướng đi mới cho riêng mình, rồi tự mình trải nghiệm thực tế, phỏng vấn, thu thập tư liệu, sắp xếp dữ liệu… chứ không đơn giản là ngồi gõ bàn phím để ra con chữ.

Tuy còn nhiều khó khăn phải đối mặt, nhưng với người làm báo chân chính thì đó cũng là thử thách để mỗi người rèn luyện kỹ năng, đổi mới để hòa nhập với xu hướng báo chí hiện đại. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của người dân, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích