Nghề giáo

06/12/2019 - 07:31

 - Nghề giáo là nghề được xã hội trân quý và tôn trọng! Không cần nhiều, với thầy cô, món quà quý giá nhất chính là tình cảm yêu thương và chăm ngoan của học sinh qua từng ngày. “Tuổi thơ con gọi thầy cô/ Bạc đầu con vẫn thưa cô gọi thầy”, câu thơ khiến những người theo nghề “trồng người” không khỏi xúc động, bồi hồi khi quyết tâm dấn thân, gắn bó với nghề “đưa đò”.

Chọn nghề giáo là chấp nhận hy sinh một cách thầm lặng, là người ươm mầm cho tương lai và cũng là người sẽ gieo cho học sinh những mơ ước, hoài bão đẹp khi "mở" cánh cửa vào đời. Có lẽ vì vậy mà trong nhóm bạn thời sinh viên của tôi, hơn 10 người có đến 7-8 đứa quyết theo nghề giáo đến cùng. Nhiều năm sau khi rời bục giảng, mỗi lần có dịp gặp lại, bạn tôi vẫn nở nụ cười rất hãnh diện và tự hào về cái nghề “gõ đầu trẻ” mà mình đã chọn. Đất nước ta từ ngàn xưa đã xem "Tôn sư trọng đạo" là một nét đẹp truyền thống tốt đẹp. Vì truyền thống ấy, dân tộc ta luôn dành những yêu thương và lòng kính trọng với những nhà giáo - những “Kỹ sư tâm hồn” đầy yêu thương và kiên nhẫn. Và cứ thế, mỗi mùa 20 -11 qua đi, với người thầy, đó là những kỷ niệm khó quên trong suốt sự nghiệp “trồng người” của mình. Kỷ niệm đó dù trọn vẹn hay không trọn vẹn mãi là những trang hồi ức đẹp nhất mà các thầy, cô mang theo, làm động lực trên suốt hành trình “khi thầy viết bảng, bụi phấn bay bay…”.

Gần 9 năm được vinh dự đón ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Trần Thị Châu Trân (giáo viên Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm An Giang) rất hạnh phúc khi nói về ngày dành cho người thầy bằng nụ cười rất rạng rỡ. “Với tôi, tình cảm học sinh dành cho mình không phải là những món quà lớn lao, giá trị, đơn giản chỉ là những tấm thiệp tự tay các em làm, những chậu cây do các em tự trồng hay một tin nhắn hỏi thăm, chúc sức khỏe cô giáo. Đó chính là những phần quà, “phần thưởng” lớn nhất trên hành trình theo đuổi sự nghiệp giáo dục mà bản thân đã chọn” - cô Trân bày tỏ.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt bởi không chỉ truyền đạt tri thức mà người thầy còn dành cả tấm lòng, trái tim yêu thương để giáo dục, chỉ dạy bao điều tốt đẹp cho học sinh vững bước vào đời. “Trên hành trình chinh phục tri thức với biết bao khó khăn, hay bộn bề khi chập chững bước vào đời, tôi không mong lúc nào học trò xưa phải đến thăm mình, chỉ hy vọng các em thành người công dân tốt mà thôi! Ấy vậy mà, mỗi dịp học sinh cũ nắm tay nhau đến nhà thăm hỏi, cả thầy và trò đều xúc động, nhớ về những kỷ niệm khi còn gắn bó cùng nhau bên trường xưa, lớp cũ”. Lúc đó, tôi càng thấy yêu và có thêm niềm tin, động lực với nghề nghiệp mình đã lựa chọn!” - cô Trân chia sẻ thêm.

Với người thầy không còn gắn bó phấn trắng bảng đen, tình cảm ấy có bị lãng quên hay đó lại chính là những kỷ niệm đẹp nhất với họ? Có dịp nghe cô Võ Thị Lài (cựu giáo chức xã Định Mỹ, Thoại Sơn) tâm sự mới thấy hết tình cảm giữa thầy và trò - sợi dây bền vững và vô cùng thiêng liêng. “Hơn 15 năm rời xa bục giảng nhưng mỗi lần về trường. Tôi mừng cho sự phát triển của ngôi trường từng thiếu thốn nhiều thuở mình còn gắn bó. Chỉ những lời hỏi thăm, những cái bắt tay thâm tình cũng khiến tôi mừng đến rơi nước mắt” - cô Lài bộc bạch.

Thật vậy, sâu thẳm trong trái tim người thầy, món quà quý nhất chính là tình cảm chân thật các em dành cho giáo viên, là nỗ lực học tập, phấn đấu rèn luyện bản thân từng ngày. Và, hạnh phúc nhất với người thầy vẫn là khi chứng kiến học trò mình vững vàng cả về tài và đức khi “tung bay” đôi cánh vào đời. Chỉ cần học trò vẫn nhớ rằng: “Muốn sang thì bắt cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy!” là đủ để các nhà giáo dốc lòng vì đàn em thân yêu rồi! 

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích