Nghề “gõ đầu trẻ” trong mùa dịch bệnh

10/03/2020 - 05:52

 - Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho xã hội thì những người thầy vẫn âm thầm thực hiện công việc của mình theo một cách khác. Với họ, công việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương để học sinh có thể duy trì kiến thức và vượt qua mùa dịch bệnh một cách an toàn.

Hơn 10 giờ trưa. Khuôn viên sân Trường Tiểu học bán trú “A” Nhà Bàng (thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang) vắng lặng không một bóng người, chỉ có tiếng lá cây xào xạc cọ nhau khi những cơn gió chợt đến rồi đi. Cô Huỳnh Hồng Thu, Hiệu trưởng nhà trường, vẫn lặng lẽ thực hiện công việc của mình.

Cô Hồng Thu cho biết vẫn đến trường kiểm tra công tác vệ sinh, cơ sở vật chất và thực hiện một số công việc chuyên môn hàng ngày. Riêng giáo viên các lớp vẫn tuần tự đến vệ sinh phòng học, quét lá trên sân trường để giữ gìn vẻ mỹ quan cho đơn vị và cũng để… “đỡ buồn”!

Thật vậy, khuôn viên ngôi trường nằm ở trung tâm thị trấn sầm uất này từ lâu đã vắng tiếng học sinh bởi kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Tất nhiên, đó là chủ trương đúng nhằm bảo vệ các em, nhưng đâu đó là chút chạnh lòng của những người thầy không được đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng cùng học trò.

Cô Hồng Thu chia sẻ rằng, vắng học sinh nên ngôi trường đìu hiu đến lạ. Bởi các em học bán trú tại trường, thời gian gắn bó với giáo viên đôi lúc nhiều hơn cả gia đình nên trong kỳ nghỉ dài này cô cảm thấy có chút bùi ngùi. Tuy nhiên, cho các em đi học lại lúc này khiến giáo viên lo lắng nhiều hơn.

Vẽ tranh bích họa giáo dục học sinh giữ vệ sinh thân thể và môi trường

Dù đang trong kỳ nghỉ để phòng tránh dịch nhưng các giáo viên vẫn làm nhiệm vụ chuyên môn theo đúng chỉ đạo. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên luôn duy trì liên lạc với gia đình học sinh và giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn các em tự học thông qua phương tiện công nghệ thông tin.

Đồng thời, giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh vào đầu tuần, nếu phụ huynh không vào trường được thì giáo viên mang đến nhà cho các em, cuối tuần thu bài lại. Ngoài ra, trong quá trình tự ôn tập nếu học sinh thắc mắc vẫn có thể liên lạc với giáo viên để được hướng dẫn.

Thực tế, việc này có phần khiến giáo viên vất vả hơn so với việc đứng trên lớp, nhất là đối với cấp tiểu học, bởi đa phần các em chưa sử dụng thành thạo vi tính nên khó áp dụng việc dạy học trực tuyến. Vì vậy, cô Hồng Thu và các giáo viên của Trường Tiểu học bán trú “A” Nhà Bàng chủ yếu dùng cách liên hệ trực tiếp với gia đình học sinh để giúp các em không quên kiến thức trong kỳ nghỉ bất đắc dĩ này.

Trong thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường tiếp tục trang bị các bồn rửa tay nhằm phục vụ các em khi được đi học trở lại. Trường Tiểu học bán trú “A” Nhà Bàng là đơn vị trang bị khá tốt bồn rửa tay với xà phòng cho các em, góp phần thực hiện các biện pháp bông tránh dịch bệnh Covid-19.

Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các điểm trường khác nhân rộng cách làm này để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ngoài ra, ban giám hiệu nhà trường còn liên hệ hội đồng bộ môn mỹ thuật huyện cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện các bức tranh bích họa trên tường, với nội dung hướng dẫn học sinh lối sống tích cực, giữ gìn vệ sinh thân thể, góp phần tuyên truyền cách phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, giáo viên còn đóng vai trò là tuyên truyền viên tích cực khi chủ động cập nhật kiến thức, thông tin chính xác về dịch bệnh Covid-19 để hướng dẫn phụ huynh biện pháp phòng tránh phù hợp và không dao động trước lời bịa đặt trên mạng xã hội.

Cô Hồng Thu thông tin, nhà trường sẽ tiến hành đo thân nhiệt học sinh tại cổng khi các em đi học trở lại. Không chỉ Trường Tiểu học bán trú “A” Nhà Bàng mà tất cả các điểm trường thuộc các cấp học trên địa bàn huyện biên giới Tịnh Biên đã và đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong thời gian dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Dù học sinh chưa trở lại lớp nhưng cô Hồng Thu hay tất cả những người theo nghề “gõ đầu trẻ” trên cả nước vẫn âm thầm “lặng lẽ đi về sớm trưa” với trách nhiệm của một người thầy. Dù đâu đó vẫn có những “hạt sạn” nhưng nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý, nghề của sự hy sinh và tận tụy. Đặc biệt, trong thời điểm những chiếc trống trường “không hè cũng nghỉ” này vẫn có bóng dáng những người thầy luôn chờ đợi ngày những học sinh thân yêu quay lại mái trường.

THANH TIẾN