Người thu mua phế liệu, thường mua tất cả những phế liệu có thể tái chế và tái sử dụng, như: Đồng, nhôm, nhựa, giấy vụn, ti-vi, tủ lạnh... những món đồ cũ hoặc không sử dụng được nữa (hư, bể). Để theo nghề này, người mua phải biết phân biệt, cách xử lý, mức giá từng loại phế liệu. Khó nhất là cách phân loại phế liệu: Nếu họ mua 1 quyển tập, phải tháo bìa kiếng bỏ đi, vì các vựa ve chai sẽ không thu vào. Chỉ giữ lại phần bìa giấy cứng và giấy trắng bên trong quyển tập, để riêng ra, vì giấy vụn cũng có nhiều loại và giá khác nhau. Hoặc phải phân biệt được sắt và gang, nhựa cứng, nhựa mềm, nhựa dẻo... Ví dụ: Chai nước suối, phần vỏ chai là nhựa mềm, nắp chai là nhựa cứng; những đôi dép tổ ong là nhựa dẻo… tất cả phải để riêng. Để giải được bài toán phân loại này, người mua phế liệu cần có kinh nghiệm.
Hơn 20 năm gắn bó nghề thu mua phế liệu, chị Nguyễn Thị Tuyết Thu (khóm Bình Khánh 7, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết, nhiều người chọn nghề này đa số do không có vốn, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những ngày mới vào nghề, đẩy xe mua phế liệu vừa ngại vừa mắc cỡ, đêm về đau nhức tay chân, thường xuyên bị cảm, sốt vì dầm mưa dãi nắng. Do mới vào nghề nên gặp nhiều khó khăn trong phân loại phế liệu, mua những loại phế liệu vựa không thu vào hoặc mua nhầm giá… nên lỗ vốn. Qua nhiều lần thất bại, chị mới có kinh nghiệm để mua phế liệu.
“Để mưu sinh bằng nghề mua phế liệu, tôi tìm đến vựa hỏi thăm và nhờ họ hướng dẫn cách mua, phân loại và giá của từng loại phế liệu. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn nên chủ vựa cho mượn 100.000 đồng làm vốn và chiếc xe đẩy để đi mua, rồi trả góp từ từ. Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn về việc phân loại phế liệu, chật vật xoay sở nguồn vốn. Rút kinh nghiệm sau những lần thất bại, tôi dần thạo việc, đi mua dễ dàng hơn. Nhờ vui vẻ, nhiệt tình và mua đúng giá, dần dần tôi có nhiều mối quen. Người ta thương nên mỗi lần dọn dẹp nhà cửa, có đồ cũ bỏ đi là điện thoại hoặc đợi tôi đến bán. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, khi mọi người dọn nhà đón Tết, tôi mua được nhiều hơn, thu nhập khá hơn. Nghề nào cũng vậy, cực khổ vất vả, chịu thương, chịu khó, cố gắng tích lũy mới vươn lên được. Càng vất vả với nghề, tôi càng gắn bó với nghề này hơn. Dù sau này có vốn, tôi vẫn không đổi nghề” - chị Thu chia sẻ.
Thu mua xong, phế liệu được chị Thu phân loại và trữ lại 1 tuần mới bán. Theo nhẩm tính của chị Thu, mỗi ngày thu nhập của chị khoảng 200.000-500.000 đồng, nhờ chi tiêu tiết kiệm, hợp lý nên đến nay chị đã sửa chữa được căn nhà, đủ tiền nuôi 2 con ăn học, cải thiện đời sống hàng ngày.
Ở tuổi 63, bà Nguyễn Thị Lệ (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) có hơn 40 năm gắn bó với nghề thu mua ve chai, phế liệu. Bà Lệ tâm sự: “Tôi là lao động chính, mỗi ngày đạp xe vài chục cây số mua phế liệu để có thu nhập nuôi gia đình. Con tôi mất, tôi phải đi làm để có tiền lo cho 3 đứa cháu ăn học. Công việc bắt đầu từ sáng sớm, tôi chạy vòng khu vực Núi Sập hoặc chạy vô kênh H (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) để thu mua đến trưa, tôi về ghé vựa cân luôn, không trữ lại vì không có vốn. Tiền có được bao nhiêu đi mua bấy nhiêu. Hôm nào may mắn thu mua được nhiều thì lời 400.000-500.000 đồng/ngày, bữa được ít thì vài chục ngàn đồng. Tuổi cao, sức yếu nên đi mua vất vả hơn. Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục thu mua phế liệu, có tiền nuôi các cháu đến khi tụi nó có thể tự lo cho bản thân, tôi mới an lòng”.
Với những người làm nghề thu mua phế liệu, điều họ sợ nhất là những ngày mưa gió và sức khỏe không tốt. Đa phần những người làm nghề này, thường có thu nhập thấp, làm ngày nào ăn ngày đó, những ngày không làm được, đồng nghĩa với việc không có thu nhập để trang trải. Mỗi người một hoàn cảnh và những vất vả, cơ cực khác nhau, nhưng với họ vẫn chắt chiu niềm tin, hy vọng, bằng sức lao động chân chính của bản thân để nuôi sống gia đình, lo cho con cháu học hành đến nơi, đến chốn và có một tương lai tươi sáng hơn.
NGUYỄN XÊ