Người lớn thi thoảng hãy đọc lại những điều này hoặc in ra rồi dán lên đâu đó để tự nhắc nhở bản thân mình nhé. Rằng tình yêu và sự thấu hiểu thì vốn rất đơn giản và tự nhiên, nhưng người lớn chúng ta thì lại hay bỏ qua hoặc quên đi mất cách thể hiện chúng.
Trẻ chỉ cảm thấy an toàn khi biết mình được yêu thương. Vì thế giúp bé cảm nhận được tình yêu thương để từ đó biết yêu thương mọi người là rất quan trọng. Dưới đây là những cách thể hiện tình yêu với trẻ.
1. Nói YÊU con thường xuyên nhất có thể.
2. Cẩn thận với những lời chỉ trích, thay vì chỉ trích thì hãy nói cho con biết cách để làm tốt nhất.
3. Bạn có thể tạm thời loại bỏ sự chú ý vào con trong một thời điểm, nhưng đừng loại bỏ tình yêu.
4. Dạy con những nguyên tắc nhưng không chỉ nói nên làm hay không nên làm gì mà hãy giải thích tại sao.
5. Kỷ luật bằng tình yêu, đặc biệt nếu bạn tức giận.
6. Hãy nhớ là trẻ thường là tấm gương phản chiếu những gì chúng được dạy, được nhìn thấy.
7. Dạy con tin vào sự thật và nói sự thật, hãy là tấm gương cho con.
8. Làm bố mẹ là rất cần kiên nhẫn, không chỉ khoan dung.
9. Hỏi con cách bạn có thể giúp con, và làm mọi thứ để có thể thực hiện sự giúp đỡ đó.
10. Khi bạn bị căng thẳng và không thể giao tiếp với con, hãy giúp con hiểu rằng đây là vấn đề của bố mẹ, không phải do con và khẳng định tình yêu của bạn dành cho con.
11. Hãy nhớ là trẻ cần tình yêu nhất, khi chúng ít xứng đáng nhất.
12. Lắng nghe con nhiều hơn, đừng ngắt lời.
13. Dạy con sự đồng cảm, không chỉ là lời xin lỗi.
14. Xin lỗi khi bạn mắc lỗi hoặc có điều đáng tiếc xảy ra.
15. Không bao giờ chế nhạo, đổ lỗi hay làm con xấu hổ.
16. Nói với con bạn thích ở cạnh con như thế nào. Và nếu bạn không thích, hãy tự nhìn nhận lại sâu bên trong mình và tìm ra nguyên nhân vì sao mình lại có cảm giác đó. Hãy sửa chữa từ chính bạn.
17. Đừng cố so sánh con với những em bé khác mà thay vào đó hãy giúp con phát triển khả năng độc đáo và con đường của riêng con.
18. Con sẽ tôn trọng những gì bạn nói khi bạn tự tôn trọng những gì mình nói ra.
19. Khuyến khích con chia sẻ và dạy về sự chia sẻ, nhưng đừng BẮT con chia sẻ. Nếu con cảm thấy đủ TÌNH YÊU trong cuộc sống (tình yêu chứ không phải là vật chất nhé), con sẽ có cơ hội chia sẻ. Nếu con không thể chia sẻ, điều này có nghĩa là con cần nhiều tình yêu hơn nữa.
20. Ôm con và vỗ về con thường xuyên khi con còn nhỏ. Kể cả khi con lớn lên.
21. Giúp con hiểu lòng biết ơn là gì, không chỉ là lời cảm ơn.
22. Cho con có không gian khi con thực sự cần.
23. Khen ngợi con thường xuyên, chỉ trích ít hơn.
24. Hãy nhớ là một đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu, sẽ thể hiện rất nhiều tình yêu. Những em bé ít nhận được yêu thương, sẽ phản ánh sự thiếu hụt này trong tính cách theo thời gian. Và nỗ lực sai lầm của nhiều bố mẹ là cố gắng THAY ĐỔI HÀNH VI CỦA TRẺ, điều này không hiệu quả. Hãy thay đổi hành vi của mình trước. Và có thể tất cả những gì bạn cần chỉ là tình yêu mà thôi.
25. Giúp con học cách quản lý và vì sao cần quản lý tiền bạc. Hãy là tấm gương cho con trong việc chi tiêu và quản lý tiền nong.
26. Đừng quá coi trọng vật chất.
27. Khuyến khích và hỗ trợ những điều tốt nhất ở con, đừng mong đợi hay đòi hỏi những điều tốt nhất theo cách bạn muốn.
28. Giữ lời hứa. Nếu không giữ lời, hãy giải thích. Giúp con hiểu hoàn cảnh khiến bạn thay đổi kế hoạch. Trẻ sẽ nhớ khi lời hứa không được giữ và điều này sẽ trở thành quy tắc.
29. Trả lời tất cả các câu hỏi của con. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói "Bố mẹ không biết, mình cùng tìm hiểu nhé".
30. Nếu bạn không thích bạn bè của con, hãy dạy con cách chọn bạn bè.
31. Hãy đi xem những buổi biểu diễn, các sự kiện thể thao con tham gia, biết giáo viên của con là ai và giữ liên lạc với họ.
32. Hãy kiên định.
33. Hãy để con nói cho bạn biết con đang cảm thấy thế nào. Giúp con học cách nhận ra cảm xúc và cách thể hiện chúng.
34. Nếu bạn không hoặc không thể bày tỏ lời khen ngợi với con, hãy tự kiểm tra với mình là tại sao.
35. Hướng dẫn con cách hành xử đúng nếu con cư xử chưa đúng. Dạy và học trước. Thực hành thường xuyên. Đồng cảm. Trừng phạt là cách cuối cùng.
36. Nếu con lảng tránh bạn hãy yêu con nhiều hơn, thay vì yêu cầu hay lên án con.
37. Nấu đồ ăn, nấu những món con thích và giúp con chọn lựa thực phẩm lành mạnh.
38. Dạy con có trách nhiệm và làm các việc nhà phù hợp với độ tuổi. Đừng nói với con và lặp lại "Con phải có trách nhiệm..."
39. Khi nhận thấy con có những thay đổi trong hành vi, hãy đặc biệt cởi mở để con có thể nói ra những gì đang xảy ra với cuộc sống của con.
40. Hiểu rằng con sẽ có những ngày khó khăn, ai cũng vậy.
42. Dạy con đến đúng giờ và giữ lời - bạn phải là tấm gương cho con.
Cuối cùng thì, hãy yêu thương con cái mình, dù bất kể chuyện gì xảy ra. Đặc biệt là trong lúc bạn tức giận, thì càng cần phải khẳng định cho con biết tình yêu của bạn. Khi bạn yêu con và nói cho con biết mình yêu con kể cả trong cơn tức giận thì sự tức giận đó là an toàn. Hoặc không, đứa trẻ sẽ hiểu rằng sự tức giận có nhiều sức mạnh và quyền năng hơn tình yêu, bởi vì nó có thể thay thế cho nhau. Và con sẽ học cách để cảm nhận sự tức giận - của bạn hay của người khác - rồi có khả năng phát triển nó thành sự tức giận quá mức, mà tích lũy dần sẽ biến thành những cơn thịnh nộ, hoặc những hành vi có tính khiêu khích về sau này.
Theo LINH PHAN (Tổ Quốc)