Ngoại giao chủ động với sứ mệnh đưa vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam

09/06/2021 - 19:31

Với những nỗ lực ngoại giao, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác như Astra Zeneca, Pfizer, Covax Facility để cung cấp vaccine cho Việt Nam.

Lô vắcxin COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca về đến Việt Nam.(Ảnh: TTXVN phát)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng, nhiều ngày qua, các kênh ngoại giao đã và đang được phát huy tối đa để tìm kiếm, đàm phán với các quốc gia, tập đoàn, công ty cung cấp, nhà sản xuất vaccine trên thế giới để sớm tiếp cận thêm các nguồn vaccine, nhằm tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam, góp phần sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

Thế giới trong cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine

Vaccine COVID-19 là chủng loại vaccine phòng viêm đường hô hấp cấp, giúp ngăn ngừa SARS-CoV-2. Cuối tháng 2-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại sẽ không thể có sớm vaccine phòng viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 trong vòng 18 tháng.

Nhưng chỉ 8 tháng sau đó, đã có hơn 320 ứng viên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm vaccine COVID-19 trên toàn cầu, đưa vaccine này trở thành loại vaccine có tốc độ nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử.

Trung Quốc, Nga, Mỹ, một số nước châu Âu đã về đến đích trong cuộc đua nghiên cứu phát triển vaccine. Nga hãnh diện với Sputnik V, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vaccine của Sinopharm và SinoVax.

AstraZeneca - một liên doanh Anh và Thụy Điển - giao hàng không kịp cho Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và cả chương trình "Tiếp cận toàn cầu với vaccine phòng COVID-19" (COVAX) để cung cấp vaccine công bằng cho tất cả quốc gia.

Mỹ có đến ba hãng nghiên cứu, sản xuất vaccine, đó là Moderna, Johnson&Johnson và Pfizer. Tuy nhiên, mỗi loại vaccine này đều có ưu-hạn chế, do đó việc tìm kiếm một loại vaccine an toàn và hiệu quả để phòng ngừa nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 đang là vấn đề quan tâm hàng đầu hiện nay.

Lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm của SARS-CoV-2. Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, hệ thống y tế hiện đại nhiều nước đã rơi vào tình trạng quá tải, hàng triệu bác sỹ, nhân viên y tế bị mắc bệnh phải phát tín hiệu cầu cứu đến chính phủ.

Ngay trong thời điểm khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, việc thúc đẩy sản xuất và chia sẻ vaccine là vấn đề quan trọng được WHO lan tỏa, nhằm chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.

Cuộc đua sản xuất vaccine COVID-19 hiện bước vào giai đoạn bứt phá với hy vọng sớm chấm dứt đại dịch. Chính phủ các nước và tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đang dốc sức trên chặng nước rút này. Nhiều hãng đã ghi nhận những thành công bước đầu, bên cạnh một số thử nghiệm lâm sàng vẫn còn đang được tiếp tục.

Bên cạnh cuộc đua sản xuất là cuộc đua tiếp cận các nguồn vaccine giữa các quốc gia. Điều mà các tổ chức y tế toàn cầu lo ngại là nhiều nước áp dụng chủ nghĩa bảo hộ quốc gia vào quá trình phân phối vaccine, nhấn mạnh ưu tiên cung cấp và đáp ứng nhu cầu trong nước, dẫn tới sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine giữa các nước trên thế giới.

Theo một báo cáo về nguồn cung vaccine COVID-19 do một chiến dịch chống đói nghèo có tên gọi ONE Campaign thực hiện, trên cơ sở phân tích hợp đồng mua vaccine của các quốc gia từ 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới hiện nay, gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca/Oxford, Johnson & Johnson và Novavax cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ, EU, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đã ký hợp đồng mua hơn 3 tỷ liều vaccine COVID-19, nhiều hơn trên 1 tỷ liều so với con số 2,06 tỷ liều cần thiết để tiêm mỗi người 2 mũi cho toàn bộ dân số của các nước này.

Điều này khiến các nước nghèo hơn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine, đặc biệt là khu vực châu Phi và đưa đến nguy cơ đại dịch kéo dài. Giới chuyên gia ước tính 90% nước nghèo có thể sẽ không nhận được vaccine để tiêm chủng trong năm 2021, do nguồn hàng bị các nước giàu mua gom.

Để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine của những nước nghèo, COVAX - liên minh có gần 190 quốc gia tham gia, đang tìm cách đảm bảo sự tiếp cận vaccine nhanh chóng, công bằng và hợp lý cho người dân ở tất cả mọi quốc gia.

Dưới sự đồng chỉ đạo của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và WHO, COVAX đã xúc tiến các thỏa thuận với 9 hãng chế tạo dược phẩm để đặt mua vaccine ngay khi chúng được thông qua sử dụng.

WHO đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia có vaccine COVID-19 không chia sẻ nguồn cung vaccine này một cách đơn phương, mà tài trợ vaccine cho chương trình COVAX để đảm bảo sự phân phối công bằng.

Trước tình hình thế giới đang có hiện tượng vaccine cung cấp không đủ mua, ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt” như trên, cũng như diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp ở trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam cần phải cố gắng hết sức để có vaccine phòng COVID-19 sớm nhất.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có trên 62.000 người Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19. Như vậy, Việt Nam mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho chưa đến 1% dân số; trong khi yêu cầu đặt ra là cần ít nhất 150 triệu liều vaccine để thực hiện phổ cập tiêm chủng toàn dân.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư khiến Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc mới kể từ cuối tháng 4/2021, chiếm gần 40% trong tổng số hơn 5.000 ca nhiễm trên cả nước tính từ khi đại dịch bắt đầu.

Có vaccine, hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng được nâng cao, cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 sẽ sớm đến ngày chiến thắng, người dân được bảo vệ khỏi COVID-19, tái thiết cuộc sống bình thường, an toàn và khỏe mạnh.

Việc vận động, tìm kiếm, đàm phán để đưa về nước vaccine được coi là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên cao nhất hiện nay, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan, trong đó có ngành ngoại giao phải nỗ lực hết mình.

Huy động tổng lực các kênh ngoại giao

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu kiên định tinh thần “Chống dịch như chống giặc,” tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch COVID-19, nhanh chóng dập dịch, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trong 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm để chống dịch, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện Chiến lược vaccine với yêu cầu cụ thể: “Quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các nguồn cung vaccine đa dạng thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế, quần chúng và các biện pháp đặc biệt khác. Các Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao đẩy nhanh hơn nữa việc tìm nguồn, mua vaccine và tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, tìm phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine của nước ngoài.”

Buổi làm việc giữa Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã huy động tổng lực các kênh ngoại giao để hiệp đồng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đàm phán, tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine. Một chiến dịch ngoại giao với hàng loạt các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, tiếp xúc, làm việc, thư từ trao đổi ở mọi cấp từ Lãnh đạo cấp cao đến Bộ trưởng Ngoại giao được chủ động thu xếp gần đây.

Ngày 2-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhằm trao đổi về quan hệ song phương, trong đó có việc tăng cường hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Trong thư, Chủ tịch nước cảm ơn Tổng thống Vladimir Putin và Liên bang Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine và nhiều vật tư y tế chống dịch khác; mong muốn phía Nga hỗ trợ, tạo điều kiện ưu tiên để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vaccine của Nga, cũng như hợp tác sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 30-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để trao đổi về quan hệ hai nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong bức thư, Chủ tịch nước cảm ơn Hoa Kỳ đã là bên đóng góp lớn khi cam kết tài trợ 4 tỷ USD cho COVAX và thông báo với Tổng thống Joe Biden việc Việt Nam đã nhận 2 đợt vaccine với khoảng 2,5 triệu liều từ sáng kiến này. Chủ tịch nước mong Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vaccine; đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine phòng COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã tiến hành điện đàm với lãnh đạo nhiều nước, trong đó bàn hợp tác cung ứng vaccine. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison, chiều 25-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Australia đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD để tiếp cận vaccine COVID-19 và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Australia để triển khai hiệu quả khoản viện trợ này. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Australia ưu tiên cho Việt Nam tiếp cận trong thời gian sớm nhất nguồn vaccine AstraZeneca sản xuất tại Australia.

Tối 19-5, điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tập trung hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như ứng phó với đại dịch, trong đó Canada hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine phòng COVID-19.

Thủ tướng Trudeau khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước khu vực tiếp cận vaccine phòng COVID-19 thông qua các cơ chế như ACT Accelerator, sáng kiến COVAX và Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN.

Ở cấp độ Bộ trưởng Ngoại giao, ngày 25-5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas. Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Đức đã đạt được những thành tích quan trọng trong chương trình tiêm chủng và kiểm soát dịch COVID-19; cảm ơn Đức và EU đã hỗ trợ vaccine cho Việt Nam qua cơ chế COVAX; đề nghị Đức tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine cũng như công nghệ sản xuất vaccine của Đức trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng chương trình tiêm chủng nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Heiko Maas đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trong xử lý khủng hoảng dịch bệnh.

Ngày 28-5, điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken để trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã có những hình thức thiết thực để hỗ trợ Việt Nam chống dịch bệnh, đặc biệt là giúp tiếp cận vaccine.

Ngoại trưởng Blinken đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong ứng phó với dịch COVID-19; cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước và Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX và các nước đối tác, trong đó có 80 triệu liều vaccine Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.

Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 19-5 với Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Anh tạo điều kiện hơn nữa về cung ứng vaccine và xem xét thuận lợi việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Bên cạnh những cuộc điện đàm, thư gửi song phương, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam còn dành thời gian trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như Chủ tịch nước tiếp Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội tiếp Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Tại các buổi tiếp, Lãnh đạo Việt Nam đều đưa ra lời đề nghị các nước, tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine phòng COVID-19, hợp tác trong chia sẻ bản quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Bộ Ngoại giao cũng chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh, phối hợp bảo đảm cung ứng và phân phối vaccine phòng COVID-19 đồng đều, hiệu quả thông qua các kênh đa phương, các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó đánh giá cao và coi trọng sự hợp tác, hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình COVAX.

Với những nỗ lực ngoại giao, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, Việt Nam đã đàm phán thành công với một số đối tác như Astra Zeneca, Pfizer, Covax Facility để cung cấp vaccine cho Việt Nam.

Đến nay, cơ chế COVAX đã cung cấp 2,4 triệu liều cho Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm. Phía Nga cũng đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 và ủng hộ đề xuất của Việt Nam về cung ứng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp. Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp từ các nguồn vốn để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine tại Việt Nam. Những thành quả này tạo cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ để chiến thắng đại dịch.

Theo VIỆT ĐỨC (TTXVN/Vietnam+)