Đình Quan Lạn đầu tiên được xây gần bến Cái Làng, trung tâm thương cảng Vân Đồn. Sau nhiều thế kỷ hưng thịnh, thương cảng Vân Đồn hoang tàn do việc thông thương đã đi sâu vào khu vực kinh kỳ và phố Hiến, dân Cái Làng chuyển chỗ để chuyên nghề biển.
Đình Qua Lạn thờ Vua Lý Anh Tông, người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn
Ngôi đình cũng chuyển hai lần từ 9 gian xuống còn 7 gian. Đình Quan Lạn ngày nay được xây dựng vào những năm 1890-1900, nằm giữa trung tâm của đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Các hoa văn của đình Quan Lạn được nghệ nhân xưa đục đẽo thủ công từ đôi bàn tay khéo léo
Đây là ngôi đình cổ trên đảo xa đất liền, song lại là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lý Anh Tông, người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn.
Qua nhiều biến cố và những cuộc trùng tu, đình Quan Lạn vẫn giữ được những chi tiết mang dấu ấn của lịch sử trên hệ thống cột, kèo
Ngoài ra Đình còn thờ Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển.
Đình Quan Lạn có kiến trúc hình chữ công, gồm bái đường, hậu cung và ba gian ống muống. Mái đình lợp bằng ngói vẩy.
Toàn bộ hoạ tiết trên gỗ đều giữ lại được nét cổ kính, uyển chuyển dù trải qua hàng trăm năm
Trên nóc mái có đắp trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu Mặt Trăng). Trong đình còn lưu giữ 19 sắc phong của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, ngoài ra còn 4 sắc phong thời Nguyễn và 1 kiệu Bát Công được đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để trưng bày.
Các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng, mỗi một đầu rồng lại có sự khác nhau
Bên trong đình Quan Lạn chủ yếu được dựng bằng gỗ mần lái, một loại gỗ được coi vào hàng tứ thiết, chỉ thấy ở vùng đảo Hải Vân. Loại gỗ này có thể chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết miền biển và bền bỉ với thời gian, không mối mọt.
Hoạ tiết rồng được trạm khắc tỉ mỉ toàn bộ đầu bẩy của ngôi đình
Hệ thống cột, kèo trong đình được chạm khắc công phu, tỉ mỉ và rất độc đáo tạo thành bức tranh nghệ thuật hoành tráng. Đặc biệt, các đầu bẩy đều chạm khắc đầu rồng, mỗi một đầu rồng lại có sự khác nhau.
Gỗ mần lái là loại gỗ được coi là chịu được thời tiết miền biển, tuy có nhiều vết nứt nhưng còn khá chắc chắn và nâng đỡ được phần mái đình
Ông Phạm Hồng Thắng (73 tuổi, Ban di tích đình, đền, chùa Quan Lạn) là người đã có hơn 20 năm trông coi đình Quan Lạn. Tất cả các biến cố, đổi thay của đình ông đều nắm rõ thời điểm.
Ông Phạm Hồng Thắng đã trông coi đình Quan Lạn được hơn 2 thập kỷ, những biến cố, mốc thời gian khiến ngôi đình thay đổi ông đều nắm được hết
Theo ông Thắng, cột kèo hay đầu bẩy ở trong đình đều được các nghệ nhân thời xưa chạm khắc thủ công. Từ đôi tay khéo léo đục đẽo ra những hoa văn, đầu rồng mềm mại, uốn lượn có hồn.
Sau khi xuống cấp, đình Quan Lạn được đại tu vào năm 2022 nhưng vẫn giữ được hệ thống cột, kèo hàng trăm năm tuổi
"Trong hai thập kỷ vừa qua, đình Quan Lạn có những cuộc trùng tu nhỏ, song do xuống cấp nên năm 2022 chính quyền địa phương đã có cuộc đại du để giữ lại phần cột kèo bằng gỗ quý. Nếu còn đủ sức khoẻ, tôi vẫn sẽ xin trông coi đình và là hướng dẫn viên cho những đoàn khách muốn tìm hiểu ngôi đình cổ này", ông Thắng cho biết.
Theo Vietnamnet