Trường nằm trong khu dân cư nhỏ, cơ sở vật chất hầu như chẳng có gì đáng giá, với các phòng học cũ, xuống cấp, sân trường nhỏ hẹp. Nếu có thể diễn tả về trường, đó là “khó khăn nhất, nhì huyện An Phú” - như cách các thầy, cô tự nhận xét.
Không nằm ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như nhiều nơi khác, nhưng trường lại đối mặt với “cách trở đò giang”. Những năm nước lũ tràn đồng, con đường đến trường càng trở nên xa xôi, vất vả. Các em phải tập trung lại để được đưa, rước đi học bằng xuồng máy. Mất thời gian qua mấy lần đò, ai nấy đều sợ trễ giờ học.
Những năm gần đây có tuyến dân cư vượt lũ, nước lũ không dữ dội như trước nên đỡ hơn. Nhưng con đường đê vẫn còn đó. Ngày nắng, mọi thứ chẳng khó khăn lắm, trừ việc bánh xe trúc trắc thi thoảng muốn lăn ra khỏi bề ngang nhỏ hẹp của đường, nhất là khi có xe đối diện trờ tới. Ngày mưa, nửa bánh xe lún sâu vào đất bùn, "tiến thoái lưỡng nan", quãng đường như xa hơn...
Trong 315 học sinh của trường, gần phân nửa thuộc diện nghèo, cận nghèo. Gia đình phải chạy ăn từng bữa, thu nhập trông chờ vào việc làm thuê, làm mướn, nên phụ huynh gần như khoán trắng việc học của con em mình cho nhà trường.
Có khi họ bỏ quê đi TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương làm công nhân, gửi con cho ông, bà chăm sóc. Kinh tế gia đình eo hẹp, muốn đóng góp xây dựng trường, quan tâm nhiều hơn đến bài vở của con… cũng “lực bất tòng tâm”. Vậy nên, học sinh của trường đã quen mặc đồng phục cũ, quen với khốn khó, quen với lớp học vùng quê nghèo.
Học sinh vui chơi, giải trí ngoài giờ học
Thế nhưng, ngôi trường ấy ấm áp tình thương đến mức khó tả. Thầy Lương Văn Diệu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, công tác tại trường từ năm 1988, gắn bó đến mức chưa từng nghĩ đến việc chuyển đi nơi khác. Rồi khi lập gia đình cùng người ở xã, thầy đã chính thức trở thành người con của nơi này.
“Đồng lương giáo viên phải gói ghém lắm mới đủ chi tiêu. Nếu ai có thêm ruộng đất thì ổn định hơn. Đôi khi khó khăn về đường sá, tài chính khiến chúng tôi hơi nản. Nhưng nghĩ đến ưu điểm lớn nhất ở trường là tất cả thầy, cô đều đoàn kết, nhiệt tình trong công việc, được chính quyền địa phương, các ngành cấp trên chăm lo nhiều mặt… chúng tôi lại yên tâm công tác.
Hiểu được sự thiếu thốn của học sinh, các dịp lễ, Tết Trung thu hàng năm, Ban Giám hiệu, Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng Ban Nhân dân ấp đều đi vận động kinh phí tổ chức buổi vui chơi cho các em. Người dân có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, có khi chỉ 10.000, 20.000 hoặc 50.000 đồng.
Cùng với kinh phí cấp trên hỗ trợ, sự giúp đỡ của Mạnh Thường Quân, vận động được bao nhiêu, chúng tôi chia sẻ đều cho các em theo phương châm “có nhiều cho nhiều, có ít cho ít”. Nhờ vậy, những học sinh nghèo của trường vẫn được nhận một ít tập vở, quần áo, tiền… tiếp thêm động lực để chuyện học của các em đỡ trở thành gánh nặng cho phụ huynh”- thầy Diệu chia sẻ.
Không chỉ hết lòng vận động, tìm nguồn hỗ trợ cho học sinh, các thầy, cô trong trường còn hùn nhau chia sẻ, đóng góp “tiền túi” làm nguồn quỹ đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vẫn điệp khúc “có nhiêu cho nhiêu”, số tiền đóng góp được chia đều ra, mỗi em được chừng vài chục đến vài trăm ngàn đồng, tùy theo tháng. Số tiền tuy ít ỏi, nhưng là cả tấm lòng thương mến của các thầy, cô dành cho học sinh.
Tôi ấn tượng với tấm lòng cao đẹp của thầy Trần Văn Giang, một giáo viên rất trẻ. Hay tin em Lê Thị Thùy Dương (học sinh lớp 5A) nghỉ học vì bị “Tổn thương ổ não (dập não trán phải)” sau một lần té tại nhà, thầy nhiệt tình đến thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh, dùng trang Facebook cá nhân kêu gọi Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ, cùng các giáo viên khác đóng góp tiền cho Dương.
Từ đó, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến, hỗ trợ Dương điều trị bệnh. Hôm chúng tôi đại diện Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang đến trao 20.310.000 đồng từ bạn đọc gửi hỗ trợ Dương, gia đình em vừa mừng, vừa tủi.
Chỉ một thời gian ngắn, họ nhận được hơn 50 triệu đồng, có thể trả một phần nợ vay và tích cóp chi phí cho những lần điều trị sau của Dương. Trong tận cùng tuyệt vọng, họ được chia sẻ, động viên bằng vật chất lẫn tinh thần. Tôi nghĩ, Dương đã rất hạnh phúc khi là học sinh của những người thầy, dưới mái trường tình nghĩa đến thế!
Đại diện Ban Công tác Xã hội – Từ thiện Báo An Giang và nhà trường trao tiền hỗ trợ gia đình em Dương
Năm học mới, trường sẽ dời ra trung tâm xã Vĩnh Hậu. Cơ sở vật chất nơi “mới” vẫn “cũ”, chưa được trang bị đảm bảo nhu cầu dạy học, khó khăn vẫn chờ đợi họ phía trước. Thế nhưng, nhìn vào những thành tích, chất lượng học tập của trường thời gian qua, những lượt học sinh xuất sắc, thành tài hiện nay, số giáo viên được công nhận dạy giỏi, khen thưởng từ các phong trào thi đua... tôi tin rằng mọi thứ tốt đẹp sẽ chờ đợi thầy và trò nhà trường!
Bài, ảnh: GIA KHÁNH