Ông Chau Sóc Sa luôn hết mình với công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương
Chăm lo khuyến học, khuyến tài
Gắn bó với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ô Lâm hơn 15 năm qua, ông Chau Sóc Sa luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của các em học sinh đồng bào DTTS Khmer. Ông Chau Sóc Sa cho biết, Ô Lâm là xã vùng sâu, vùng đồng bào DTTS của huyện Tri Tôn. Trên 97% dân số là đồng bào DTTS Khmer, đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, xã có trên 30% học sinh là con em của những hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều em thiếu điều kiện học tập, phải bỏ học giữa chừng để lao động sớm phụ giúp gia đình…
Trước thực trạng trên, ông Chau Sóc Sa đã cùng Hội Khuyến học xã phối hợp ban giám hiệu các trường và địa phương đã đến tìm hiểu gia cảnh, điều kiện học tập của từng em, đồng thời vận động phụ huynh học sinh, tạo điều kiện cho các em đến trường. Nhờ sâu sát, nắm bắt được hoàn cảnh từng gia đình mà công tác vận động học sinh đến lớp đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học luôn ở mức thấp. Tuy nhiên, theo ông Chau Sóc Sa, việc vận động học sinh đến lớp còn gặp nhiều khó khăn, con em của những gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn phải theo cha mẹ đi nơi khác làm ăn nên những trường hợp này không thể tiếp tục vận động đến lớp.
Trong suốt năm học, ông Chau Sóc Sa luôn theo dõi từng “bước đi” của các em học sinh để kịp thời giúp đỡ, động viên, khích lệ. Với uy tín trong cộng đồng và tinh thần trách nhiệm, hàng năm, ông cùng Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã đã đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vận động kinh phí để phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài. Dịp đầu năm học mới, hay kết thúc năm học, ông vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài xã tặng quà cho các em học sinh. Những phần quà gồm: quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, xe đạp, tiền mặt… đã góp phần không nhỏ để các em tiếp bước đến trường.
Hàng năm, ông Chau Sóc Sa cùng Hội Khuyến học xã tổ chức các buổi họp mặt với các sinh viên đang theo học ở các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Tại buổi họp mặt, các em được nhận những phần quà nhỏ và ông Sa luôn động viên các em tiếp tục phấn đấu học tập để sau này trở thành người có ích cho gia đình, quê hương và xã hội.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, dân tộc
Hàng năm, những dịp hè, ông Chau Sóc Sa còn vận động nhà chùa tổ chức các lớp dạy tiếng Khmer, đồng thời vận động các em học sinh tham gia. Ông Sa cho biết, đây là hoạt động thường niên có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn, giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào DTTS Khmer, những lớp học này còn giúp các em có không gian sinh hoạt lành mạnh và bổ ích. Trong các bài giảng, các sư lồng ghép những bài học về đạo đức; dạy cách cư xử đúng mực, lễ phép; hướng tới những điều hay, lẽ phải... qua đó định hướng cho các em trở thành những người có ích cho cộng đồng, xã hội.
Thông qua các lớp học này còn giúp học sinh tránh tệ nạn xã hội, ăn chơi lêu lổng trong ngày hè. Đặc biệt, không chỉ học sinh đồng bào DTTS Khmer mà các em học sinh người Kinh cũng hăng hái tham gia. Ông Chau Sóc Sa chia sẻ: “Ở trường phổ thông có chương trình dạy tiếng Khmer ,nhưng thời lượng giảng dạy khá ít nên động viên các cháu nhỏ học thêm tiếng dân tộc của mình. Hiện, xã Ô Lâm có 6 ngôi chùa Khmer, các chùa này mỗi năm đều tổ chức dạy tiếng dân tộc cho các em”. Ngoài chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài, với vai trò là người có uy tín, ông Chau Sóc Sa luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng- an ninh. Ông còn tích cực vận động bà con hưởng ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Ghi nhận những đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài của xã Ô Lâm, cũng như các phong trào xây dựng quê hương, ông Chau Sóc Sa đã nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, huyện và địa phương. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là động lực thôi thúc ông tiếp tục cống hiến tâm sức cho phong trào khuyến học, khuyến tài của quê hương.
ĐỨC TOÀN