Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của cải cách hành chính

10/11/2022 - 06:58

 - Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, An Giang đang triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (1 trong 3 đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Quan điểm lấy người dân, DN vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của CCHC. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

“Để việc cải cách TTHC đạt hiệu quả phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt; có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và luôn đổi mới; phải luôn xác định “trụ cột, động lực” của cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành thời gian tới là chuyển đổi số. Nếu không nỗ lực đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành thì chúng ta sẽ “tụt hậu”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần sự đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của người dân, DN, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Xác định tầm quan trọng của công tác CCHC, thời gian qua, công tác CCHC của tỉnh An Giang được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp và quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tỉnh luôn xác định nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN để thu hút nguồn đầu tư của xã hội là một trong những khâu đột phá. Trong đó, chú trọng thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC và những thủ tục không cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, điều hành; lấy người dân và DN là trung tâm phục vụ; tổ chức định kỳ đối thoại và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN...

Công tác cải cách TTHC của tỉnh ngày càng được nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy người dân, DN làm trọng tâm phục vụ. Chất lượng dịch vụ công, kể cả trực tiếp và trực tuyến từng bước đi vào nền nếp và thông suốt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng thời gian. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN giải quyết TTHC, thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Kết quả PCI An Giang 2021 đạt thứ hạng 17/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so năm 2020); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của tỉnh đạt 86.14%, xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so năm 2020) và xếp hạng 9/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Nói đi đôi với làm

Để công tác CCHC của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ký Quyết định 2660/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 131/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục đổi mới tư duy, cách tiếp cận mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cải cách TTHC; kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá vượt lên.

Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN, người dân. Xây dựng nhiều mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới, với phương châm “lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, DN để đánh giá hiệu quả”. 

“Cải cách TTHC phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, không bị động, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp trong quá trình ra quyết định, nhất là phản ứng chính sách nhanh, kịp thời” - ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, DN ngày một tốt hơn. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu; càng “áp lực” thì càng phải “nỗ lực”, chuyển từ trạng thái “bị động” sang “chủ động”; tạo sự thân thiện, cải thiện quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, DN. Khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Đặc biệt, chú trọng cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành nhằm góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Để đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, DN. Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

THU THẢO