Thống kê cho thấy, toàn huyện Đắk Mil có 17/46 công trình thuỷ lợi bị cạn kiệt nguồn nước, hơn 5.100 ao, hồ trơ đáy, gần 2.000 giếng khoan cũng đang bắt đầu thiếu nước trầm trọng.
Điều này khiến hàng loạt diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đắk Mil đang héo rũ, nhiều diện tích cây đã chết khô.
Theo ông Nguyễn Bá Luân, thôn Đắk Thọ (xã Đắk Lao), đây là năm hạn nặng nhất trong vòng mấy chục năm qua. Đã hơn 5 tháng không có giọt mưa nào mà thời tiết ngày càng nắng nóng khiến các nguồn nước đều cạn kiệt.
"Hiện tại đình tôi đã phải mua 33 cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) kéo bơm ra hồ thuỷ lợi cách nhà hơn 1,5km, cố gắng vét số nước ít ỏi cuối cùng để cứu vườn cà phê 2 hecta. Tuy nhiên, do lượng nước ít mà người bơm thì đông nên không ăn thua", ông Luân chia sẻ .
Bà Lê Thị Quyên, ở đội 4, xã Thuận An (huyện Đắk Mil) cho biết, vườn cà phê của gia đình đã hơn 5 năm tuổi, hiện đang bước vào thời kỳ kinh doanh nhưng gặp hạn nặng khiến vườn cây bị héo khô.
“Nhìn vườn cây dần khô héo mà xót hết ruột gan, giờ các đập thuỷ lợi, giếng khoan cũng hết nước nên chỉ chờ có mưa mới mong cứu được cây nào hay cây đó”, bà Quyên cho hay.
Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, toàn xã có hơn 9.000 hecta cà phê (gồm cả diện tích Công ty cà phê Đức Lập). Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài 1 tuần đến 10 ngày thì khả năng 85% diện tích cây cà phê trên địa bàn toàn xã sẽ mất mùa.
Ông Nguyễn Tường Duy - Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Đắk Nông thông tin, thời gian trước đơn vị còn điều tiết nước từ các hồ chứa lớn sang các khu vực lân cận để cứu cây trồng. Nhưng thời điểm này, việc điều tiết nước là bất khả thi. Những khu vực còn nước phải giữ để phục vụ nhu cầu tại chỗ. Những khu vực hết nước, đành chấp nhận buông tay.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 31/307 công trình thuỷ lợi hết nước. Các hồ còn lại lượng nước chỉ còn chừng 40% và đang giảm nhanh. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, cây trồng, vật nuôi của bà con nhân dân.