Lớp học xóa mù chữ tại Trường Tiểu học “B” Ô Lâm
Phòng học duy nhất sáng đèn trong Trường Tiểu học “B” Ô Lâm (huyện Tri Tôn) càng nổi bật lúc trờ nhá nhem tối. Đó là nơi diễn ra lớp học xóa mù chữ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, được mở từ tháng 8 đến nay. Trước giờ học, có người không giấu nổi cơn ngáp dài và vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc.
Thế nhưng vào học thì ai cũng chăm chú theo dõi từng lời, từng nét chữ của giáo viên. Bà Néang Khên (sinh năm 1966) lôi ra tờ photo căn cước công dân, chỉ ngay vào phần in tên, nói với chúng tôi: “Hôm nay tôi có thể tự viết tên của mình rồi, nhưng vẫn cần nhìn theo mặt chữ. Học chữ dễ nhớ mà cũng mau quên lắm, vì ban ngày phải làm việc nhiều, thêm phần lớn tuổi…”.
Còn bà Néang Kim Ly (sinh năm 1967) tâm sự: “Mấy chục năm nay, mỗi khi có việc đến UBND xã làm thủ tục đều phải cần con cháu đi cùng. Giờ tôi phải cố gắng học, biết chữ rồi thấy vui lắm. Có điều, đọc chữ chưa đúng dấu được”. Đó cũng là hoàn cảnh chung của rất nhiều học viên trong lớp. Do tuổi tác, mắt kém, đọc từng chữ cái khó khăn, “học trước, quên sau” là chuyện rất bình thường. Những đôi tay chai sần và rắn rỏi chỉ quen cầm cuốc cày bên ruộng rẫy, giờ cần mẫn nắn nót từng nét chữ quả thật không dễ dàng.
Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Ô Lâm Chau Sóc Quane cho biết, địa phương đã thông báo đến bà con về việc mở lớp dạy xóa mù chữ. Chỉ tiêu được Sở Giáo dục và Đào tạo quy định mỗi xã huy động 35 học viên, UBND huyện Tri Tôn giao cho xã Ô Lâm số lượng 50 học viên, kết quả sau thời gian vận động, có 114 người đăng ký học.
“Kết quả này chúng tôi khá bất ngờ, vì nhu cầu muốn đi học và tinh thần bà con rất hăng hái. Xã tổ chức 3 lớp học tại 2 điểm trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại. Trong tuần, lớp học diễn ra các ngày thứ 2 - 4 - 6, từ 16 giờ 30 đến 21 giờ” - ông Quane thông tin. Mỗi học viên phải học đủ 335 tiết gồm tiếng Việt và môn Toán. Tùy theo tình hình thực tế, nếu số lượng đi học đông hơn, bà con tiếp tục có nhu cầu, ngành giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp địa phương mở thêm lớp.
Sau khi chốt danh sách, xã đã trích một phần kinh phí tặng cho mỗi người học 1 phần quà. Bộ sách được dạy cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer là Toán và Tiếng Việt lớp 1 do Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Sau thời gian tổ chức, các học viên sẽ được kiểm tra, cấp chứng chỉ theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học xã lo phần dụng cụ cho bà con, như tập, viết. Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ô Lâm Chau Sóc Sa chia sẻ: “Tôi tham gia đi vận động bà con ra lớp, thấy ai cũng phấn khởi khi có chủ trương này. Bà con đều nhận thấy bây giờ làm gì cũng cần giấy tờ, thủ tục, mà không biết chữ thì thiệt thòi lắm. Học chữ rồi tìm hiểu thêm thông tin sẽ mở mang kiến thức, nên có ông, bà lớn tuổi vẫn đăng ký đi học”.
Ở những lớp học này, không chỉ có sự cố gắng của những “học sinh đặc biệt”, mà giáo viên cũng là những người dành cả tâm huyết khi đứng lớp giảng dạy. Thầy Chau Sóc Khanh (Khối trưởng Khối 1, Trường Tiểu học “B” Ô Lâm), phụ trách lớp học 36 học viên là điển hình. Công tác ở xã Ô Lâm 26 năm, tình cảm thầy đong đầy cho nghề “gõ đầu trẻ” và bà con địa phương.
Thầy nhẩm tính, trong xã có rất nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer đã thành đạt nhờ học hành đến nơi đến chốn. Với những học viên lớn tuổi, điều thầy trân quý nhất là tinh thần vượt khó của họ. Dù có những ngày mưa bão, nhà xa, hầu như không ai vắng học. Thậm chí gia đình có cháu nhỏ không có người lớn trông giữ, họ chở luôn cả cháu vào lớp. Vì vậy, dù ban ngày trải qua 2 buổi dạy trên lớp cho học sinh tiểu học, buổi tối làm việc “ca 3”, thầy vẫn nhiệt tình với nhiệm vụ của mình.
Thầy Sóc Khanh cho biết, những ngày đầu, ngoài khó khăn về thiết bị dạy học, thì giáo viên và học viên giao tiếp còn hạn chế. Nhờ sự gần gũi, cởi mở và khéo léo, các giáo viên giúp người học xóa đi cảm giác e ngại, mạnh dạn hơn. 2 tháng nay, thầy nắm rõ hoàn cảnh của từng học viên, nhờ vậy, những lời hỏi han về chuyện vui buồn, mùa màng, buôn bán trong ngày đã tạo bầu không khí hòa nhã, vui vẻ trong lớp.
“Thuận lợi từ khi mở lớp xóa mù chữ đến nay là được Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm. Còn học viên rất hăng hái đi học và chấp hành nội quy rất tốt. Có người còn mặc cảm khi đứng trên lớp đọc chữ chưa đúng thanh dấu, nhưng ngoài đời, họ là những người rất giỏi tính toán làm ăn. Ý chí “tìm chữ” của họ là điều chúng tôi rất trân quý, càng cố gắng để giúp bà con đạt được mong muốn” - thầy Chau Sóc Khanh cho biết.
Toàn huyện Tri Tôn có 8 xã, thị trấn mở lớp xóa mù chữ. Đây là nội dung trong Tiểu dự án 1 của Dự án 5, thuộc Chương trình quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. |
MỸ HẠNH