Người nặng nợ với những con đường

22/07/2021 - 06:51

 - Một ngày mới bắt đầu bằng cơn mưa nặng hạt. Chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1978, ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) bảo tôi chờ ở bên đường, chị tranh thủ đi chở xi-măng và cát, đá lại cho kịp “tiến độ”. Thật ra, chẳng ai ép chị phải làm việc này, cũng chẳng có thời hạn nào cho việc vá “ổ gà”. Chỉ có chị muốn nhanh chóng “trả nợ” cho những con đường quê.

Khi tôi còn đang đứng tần ngần cạnh bao xi-măng chị vừa chở đến, ông Trần Văn Nghiệp (sinh năm 1953, ngụ cùng ấp) từ trong nhà bước ra, cầm sẵn cây leng trên tay. Ông Nghiệp lắc đầu: “Trời mưa như vậy mà con bé này không chịu nghỉ ngơi. Hồi xưa tới giờ, lần đầu tiên tôi thấy phụ nữ một mình đi vá đường. Không lẽ mình là đàn ông lại ngồi yên, bỏ mặc nó được, nên tôi hay đi chung để phụ giúp”. Bệnh chưa khỏi, ông chỉ có thể trộn hồ, rải đá một chút, ánh mắt trông theo bóng dáng tất bật của chị Minh.

Giữa tiếng mưa ầm ào, tiếng xe chạy ồn ã, giữa nhịp thoăn thoắt của đôi bàn tay, chị kể lại nguồn gốc biệt danh “cô gái sửa đường” mọi người đặt cho mình: “Đường làm lâu, xe chạy nhiều sẽ xuống cấp. Từ “ổ gà” nhỏ, dần rộng ra, có khi ăn hết nửa chiều ngang đường. Trước giờ gặp biết bao nhiêu đoạn như vậy rồi, chạy xe né thôi, biết làm sao. Nhưng một lần, tôi nhìn thấy có người không kịp né, sụp ngay “ổ gà”, tử vong tại chỗ. Cô gái đó còn rất trẻ, sắp về đến nhà, tội lắm. Rồi thi thoảng lại nghe người này mới mất vì té xe, người nọ gãy tay, gãy chân. Bứt rứt không chịu nổi, tôi quyết định vá đường. Sức tới đâu, làm tới đó”.

Cuộc sống gia đình chị không đến mức khó khăn, nhưng cũng chẳng dư giả. Chị lủi thủi một mình trong căn nhà trống, mưu sinh bằng đủ nghề: nấu tàu hủ, cấy lúa, chặt thuốc nam… không vướng bận chuyện gia đình. Ngày nào không đi làm, chị chở vật liệu xây dựng, đồ nghề rong ruổi hết con đường này đến con đường khác trong xã. Trong đầu chị như có một “bản đồ ổ gà”, đoạn đường nào hư, hư mức độ nào, hư bao lâu, chị nhớ hết.

Không biết kỹ thuật bài bản, chị tự mày mò làm theo hiểu biết của mình. Lần đầu trộn hồ, hồ nhão nhoẹt, đổ xuống “ổ gà”, tuổi thọ chỉ vài hôm. Hoặc có khi, “ổ gà” được đắp vun lên cao hơn đoạn đường, xe chạy qua tưng bánh. Hoặc vật liệu bị bánh xe làm lún xuống, để lại một khoảng cách chơi vơi với con đường, “ổ gà” vẫn hoàn “ổ gà”. Thất bại không chỉ một, hai lần.

Chị Nguyễn Thị Minh

Nhưng điều đó chưa làm chị khổ sở bằng việc bị đánh giá “khùng, điên”. Nhiều người hoài nghi hành động của chị chỉ là tức thời, hoặc có “ý đồ” không tốt. Họ chỉ trỏ khi nhìn thấy chị lầm lũi vá đường, buông lời xì xào to nhỏ. Cực đoan hơn, có người xua đuổi, không cho chị vá, dù “ổ gà” nằm trước cửa nhà họ. Nhớ lại lý do mình bắt đầu, chị dần tập quen với "tiếng bấc tiếng chì", tự học hỏi để vá đường hiệu quả hơn. Điên khùng hay tỉnh táo trong mắt người khác, với chị, không quan trọng bằng việc chị thấy mình nặng nợ với những con đường.

Đâu ai hiểu được những tháng ngày ăn uống tiện tặn, 10.000 đồng chị cũng không nỡ bỏ ra mua vé số. Chị làm quần quật đủ việc, bỏ ống từng chút một, chỉ để đủ tiền mua thùng nhựa vá đường. Mỗi thùng 190kg có giá hơn 4 triệu đồng, chị sẵn sàng mua 2-3 thùng một chuyến. Thùng nhựa gần cạn, chị lại lo âu: tiền đâu mua nữa đây? Cũng ít người hiểu được cảm giác nóng rát mặt khi nấu chảy nhựa đường, khi xi-măng “ăn” lở loét đôi bàn tay, bàn chân chị. Và cũng chẳng ai hiểu rõ cảm giác hạnh phúc khi vá lành “ổ gà” bằng chị.

“Mấy hôm trước, chuẩn bị tới “ổ gà”, người ta phải lách qua một bên. Bữa nay, xe chạy thẳng bon bon, tôi nhìn thấy mát lòng, mát dạ. Tôi nghèo khó, học hành không tới đâu, nhưng có thể giúp giảm đi 1 người bị té trên đường, cũng là cách tôi đóng góp cho xã hội” - chị Minh chia sẻ.

Gần một thập kỷ, các con đường ở quê thấm mặn giọt mồ hôi của người phụ nữ gầy gò, khắc khổ ấy. Hàng trăm thùng nhựa, hàng tấn vật liệu xây dựng và bao nhiêu tiền của, công sức của chị đã được “trả” cho những con đường. Chị nhận lại niềm vui, sự thanh thản tận đáy lòng. Chị nhận thêm tình cảm quý mến, yêu thương của bà con xóm giềng, sự khen thưởng của chính quyền địa phương. Chị nhận không biết bao nhiêu đóng góp xa gần, từ hiện vật đến tiền để tiếp tục hành trình vá đường. Chị không còn cô độc, vì nhiều người dân sẵn lòng đồng hành với chị, lập thành tổ vá đường của xã.

Tôi đứng cùng chị một ngày, nghe người đi đường cất tiếng chào chị từ xa: “Ủa, mưa cũng làm nữa hả Minh?”, “Đường bên chỗ tôi mới bể, bữa nào rảnh chạy qua coi dùm nha”. Bà Phạm Thị Hồng (ngụ thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn) dừng xe, dúi vào tay chị 20.000 đồng. “Tôi hơn 70 tuổi, đâu có làm gì ra tiền. Nhưng thấy Minh vá đường cực khổ quá, lần nào chạy xe ngang gặp, tôi cũng nhín mấy chục ngàn đồng đưa nó. Của ít lòng nhiều, góp chút tiền mua đá để nó vá đường” - bà Hồng rời đi, để chị Minh lại với nụ cười thật vui.

Chiều muộn, chị trở về nhà, quần áo lấm lem bùn đất, tóc bết dính vì mưa. Đón chị, là 4 chú chó nhỏ, lớn. Chúng bị bỏ rơi, chị đem về nuôi dưỡng. Ngoài sân, mấy bao xi-măng được chị che chắn cẩn thận, để hôm sau còn sử dụng. Trong nhà, ngổn ngang quần áo cũ, chị xin cho các "Gian hàng 0 đồng". Nơi chị ở chẳng có vật dụng gì đáng giá đến mức chị phải khóa cửa. Đáng giá nhất, là tấm lòng của “cô gái sửa đường” đầy trăn trở cho đường quê, là mong ước “có sức khỏe để tiếp tục hành trình”.

GIA KHÁNH