Người thầy của những học sinh “đặc biệt”

20/11/2018 - 06:57

 - Đây là cụm từ chúng tôi muốn nhắc đến khi nói về các thầy, cô giáo ở Trường Trẻ em khuyết tật An Giang (TP. Long Xuyên). Có đến thăm mới thấu hiểu những khó nhọc, vất vả và tình cảm bao la của những người được ví như “mẹ hiền thứ hai” của những đứa trẻ kém may mắn.

Lớp học đặc biệt

Khi chưa đến với ngôi trường của những học sinh “đặc biệt” này, tôi cứ mãi hình dung về tiết dạy và học của thầy và trò nơi đây. Điều khiến tôi bất ngờ nhất khi đặt chân vào lớp chính là thái độ của học sinh. Khi cô giáo chủ nhiệm cất giọng trầm bỗng: “Lớp mình chào cô đi nào!”, rất nhanh, gần chục học sinh của lớp Khuyết tật trí tuệ đứng lên nghiêm chỉnh, đưa những cặp mắt ngây thơ, khờ dại nhìn về phía tôi như một sự chào đón.

Cô Đỗ Thị Thơm (giáo viên chủ nhiệm của lớp) lúc ấy vẫn còn lấm tấm những giọt mồ hôi trên trán khi đang dạy học trò của mình thực hiện những phép tính nhân trên bảng. Lớp học chưa đầy 10 em nhưng theo cảm nhận của tôi, những giờ dạy ở đây trôi qua chưa bao giờ dễ dàng. Bởi, các em là những đứa trẻ thiểu năng về trí tuệ nên khả năng tiếp thu bài học là trở ngại rất lớn. Chưa kể, những cảm xúc và hành động “khó đoán”, vui buồn hay giận hờn bất chợt cũng khiến người giáo viên xoay xở đến mệt lả.

Thầy, cô nơi đây dành trọn tình thương cho học sinh “đặc biệt” của mình

Dõi đôi mắt nhìn khắp phòng học, nhắc nhở từng học trò, cô giáo Thơm cho biết: “Những ngày đầu làm chủ nhiệm lớp Khuyết tật trí tuệ, tôi hơi lo vì chưa có kinh nghiệm, bởi trước giờ chỉ dạy học sinh khiếm thị và khiếm thính. Việc không tự chủ hay không ý thức được hành vi là điểm cần lưu ý của lớp. Một vài em có biểu hiện tự kỷ, nhiều khi cười, nói vu vơ một mình hoặc ngơ ngác không quan tâm đến ai. Lúc đầu thấy tôi lạ, có em bực tức còn xô đẩy hoặc cắn vào tay tôi. Lớp học chỉ yên ắng được đôi chút là nghe thấy tiếng la hét inh ỏi của em này rồi đến em kia. Khi đó, người giáo viên cần nhất là kỹ năng vững vàng và sự bình tĩnh. Nhiệm vụ của mình vào đây không chỉ để dạy, mà còn để yêu thương, gần gũi và chia sẻ với các em. Tôi dành sự quan tâm, thương yêu các em như với các con mình. Không chỉ bao quát lớp, mình cần phải gần gũi, ân cần với các em nhiều hơn. Đến nay, tôi đã  6 năm làm chủ nhiệm của lớp. Các em đã quen và xem tôi như người thân. Tôi vắng dạy vài hôm là đã nhớ  “các con” của mình”.

Vui, buồn cùng học trò!

“7x3=21; 7x4=28...”, những đáp án của bảng cửu chương nhân 7 được các em điền vào rất chính xác trên bảng khiến tôi rất bất ngờ. Cô Thơm cười hiền bảo rằng, thấy vậy chứ mai mốt hỏi lại, nhiều em đã quên rồi. Cũng vì trí tuệ không được như bao đứa trẻ khác nên chuyện học và ghi nhớ rất khó khăn với các em. Chỉ là bảng cửu chương đơn hay con chữ đơn giản nhất nhưng với các em rất lâu tiếp thu. Quá trình dạy diễn ra rất chậm và phải lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

Thế mới thấy, công sức, trí lực mà thầy, cô ở đây bỏ ra để giáo dục những học sinh khuyết tật là không hề nhỏ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bỗng bị gián đoạn khi cô Thơm đột nhiên bị 1 học trò ôm hôn “nhiệt tình”. “Lớp Khuyết tật trí tuệ có niên khóa chỉ 7 năm học. Vậy là còn 1 năm nữa là cô, trò chúng tôi phải xa nhau. Niềm vui nhất với tôi là các em có thể đọc, đánh vần được văn bản, cũng như làm được những phép tính đơn giản” - khóe mắt cô Thơm chợt rưng rưng khi nghĩ đến ngày chia tay.

Tình thương của người thầy tiếp thêm nghị lực cho học trò “đặc biệt” vào đời. Ảnh: P.L

Còn với thầy Bùi Quang Duy (sinh năm 1987, dạy môn thể dục của Trường Trẻ em khuyết tật), 7 năm gắn bó với nghề là những tháng ngày đi từ bỡ ngỡ, lo lắng đến yêu thương, quan tâm từng học trò nhỏ nơi đây. Thầy Duy từng ngày rèn cho mình những kinh nghiệm, tâm lý, nghiệp vụ sư phạm để tiếp xúc, dạy học cho tất cả các đối tượng học sinh: khiếm thị, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Mỗi đối tượng học sinh đều có khó khăn nhất định.

“Ngày mới về trường, tôi phải học rất nhiều thứ, những kiến thức ấy để phục vụ việc dạy các học sinh “đặc biệt” của trường. Đôi lúc, nhìn bạn bè cùng niên khóa được dạy học sinh bình thường, đạt nhiều thành tích cao, tôi thấy hơi mũi lòng. Mỗi ngày trôi đi, tôi nhận ra công việc của mình không có gì xấu hổ với bạn bè. Học trò của mình là những đứa trẻ đáng thương, cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Mỗi đối tượng học sinh, tôi chọn môn học phù hợp, nếu khiếm thính học đánh cầu lông, đá bóng; khiếm thị sẽ học cờ vua, còn khuyết tật trí tuệ thì học liên hoàn. Năm 2015, học sinh của tôi đạt giải 3 môn bóng đá khiếm thị toàn quốc. Đây là niềm vui và niềm tự hào, hãnh diện nhất của tôi về học trò của mình” - thầy Duy chia sẻ.

Với cô Thơm, thầy Duy hay bất cứ thầy, cô nào khác của trường thì phần quà lớn nhất với họ chính là nhìn thấy học trò nhỏ của mình lớn khôn từng ngày. Các em biết tự chăm sóc bản thân, nhận thức nhiều hơn về thế giới xung quanh, ngoan ngoãn và nghe lời. Rời bước, bỏ lại phía sau những tiếng giảng bài vang vọng, tiếng “ê a“ ngọng nghịu của những gương mặt ngô nghê hay tiếng đập bàn vô thức... tôi vẫn thấy được tình thương ấm áp đang lan tỏa cả ngôi trường. Hy vọng, tình yêu và sự quan tâm của thầy, cô sẽ mãi là “ngọn lửa”, sưởi ấm và nâng bước các em - những đứa trẻ đã chịu quá nhiều thiệt thòi! 

PHƯƠNG LAN