Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết, mỗi khi chọn mua thực phẩm chức năng hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chị luôn đặt ra nguyên tắc: Rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu uy tín, nơi bán tin cậy, có đầy đủ giấy tờ pháp lý. Con nhỏ chưa tròn 4 tháng tuổi, nên chị cẩn trọng mua từng hộp sữa, gói cốm, viên uống như một sự bảo vệ.
“Tôi thường tìm hiểu kỹ trước khi mua, ưu tiên thương hiệu lớn hoặc sản phẩm đã có người quen sử dụng, đánh giá tốt” - chị Thảo chia sẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi rất cẩn trọng, chị thừa nhận ít khi quét mã vạch hay kiểm tra mã QR, vì tin tưởng vào bước chọn lọc ban đầu. Điều này cho thấy, dù kỹ lưỡng đến đâu, người tiêu dùng vẫn có thể bỏ sót bước quan trọng giúp xác thực sản phẩm.

Xác minh tem chống giả, mã vạch và mã QR là bước quan trọng để phân biệt hàng thật, hàng giả
Từ góc nhìn doanh nghiệp, anh Danh Bé Năm (chuyên viên phát triển thị trường quốc tế, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang) cho biết: "Nhóm sản phẩm bị làm giả phổ biến nhất hiện nay là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Những sản phẩm này thường được rao bán trên mạng xã hội, tiếp thị liên kết. Lợi dụng tâm lý thích giá rẻ, ham khuyến mãi và sự tin tưởng mù quáng vào người nổi tiếng quảng cáo, kẻ xấu dễ dàng đưa hàng giả tiếp cận người mua một cách trơn tru".
Thực tế, hàng giả hiện nay được làm vô cùng tinh vi, khó phân biệt. Nhiều trường hợp chỉ cần thay đổi 1 ký tự trong tên gọi, làm nhòe 1 chi tiết trên bao bì hoặc thay đổi màu sắc nhẹ là đã có thể “qua mặt” người mua. Bao bì hàng nhái thường có lỗi in ấn, màu sắc không đồng đều, chữ bị sai chính tả, logo đặt sai vị trí hoặc in lệch chuẩn. Ngoài ra, sản phẩm giả có thể thiếu thông tin: Số lô, thành phần, hạn dùng, mã vạch không truy xuất được hoặc tem chống giả mờ, dễ bong tróc và không xác thực qua mã QR. Về tổng thể, bao bì hàng giả mỏng nhẹ, dễ rách, gấp mép cẩu thả và thường có mùi lạ.
Để tránh mua nhầm, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua sắm: Không tin tuyệt đối vào lời quảng cáo, chỉ chọn mua tại cửa hàng chính hãng, chuỗi nhà thuốc lớn hoặc sàn thương mại điện tử có chứng nhận. Ngoài ra, nên giữ hóa đơn, chụp ảnh sản phẩm và tem nhãn để có cơ sở khiếu nại, phản ánh đến cơ quan chức năng. Theo anh Danh Bé Năm, chỉ cần để ý chi tiết nhỏ, người tiêu dùng có thể nhận biết phần lớn sản phẩm giả, bởi hàng thật luôn được chăm chút tỉ mỉ từ chất liệu, thông tin đến hình thức.
Câu chuyện của chị Thảo, cùng những cảnh báo từ thực tiễn thị trường, cho thấy: Để trở thành người tiêu dùng thông thái, không nhất thiết phải am hiểu công nghệ hay quá rành rẽ về hàng hóa, mà trước hết cần sự tỉnh táo, không vội tin, không ham rẻ và luôn chủ động tìm hiểu. Giữa thị trường ngập tràn sản phẩm, việc chọn đúng đôi khi quan trọng hơn chọn nhiều.
Người tiêu dùng thông thái được hình thành từ những lựa chọn cẩn trọng mỗi ngày. Khi thói quen kiểm tra kỹ trước khi mua trở thành phản xạ, hàng giả sẽ dần mất “đất” sống. Và câu trả lời cho câu hỏi “người tiêu dùng thông thái bắt đầu từ đâu” chính là: Bắt đầu từ sự tỉnh táo, từ cách ta tìm hiểu, quan sát, đặt câu hỏi trước khi rút ví.
BÍCH GIANG