Người trẻ quyết giữ nghề truyền thống

26/01/2023 - 07:40

 - Không dừng lại ở mục đích khởi sự kinh doanh, mang thu nhập cho bản thân, gia đình, rất nhiều người trẻ còn dành cả tâm huyết, hoài bão với mong muốn “vực dậy” những nghề truyền thống. Với sức trẻ, sự tự tin cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, họ đã và đang chung tay gìn giữ những giá trị truyền thống, bản sắc của dân tộc.

Viết tiếp câu chuyện cỏ bàng

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề đan đệm bàng thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cô gái trẻ Trần Thị Trang có một tình cảm đặc biệt với nghề truyền thống của địa phương. Ngay từ lúc còn nhỏ, Trang đã thấy bà con ở xóm ai cũng biết nghề đan đệm bàng, đó là nghề nuôi sống gia đình. Vậy rồi, trong xã hội hiện đại, những sản phẩm thủ công như đệm bàng dần được thay thế bằng các loại nội thất cao cấp hơn…

Hiện nay, còn gắn bó nghề đan đệm bàng chủ yếu là những người bà, người mẹ lớn tuổi, nắm níu giữ nghề để làm trong lúc rảnh rỗi, mong muốn kiếm thêm chút ít thu nhập chăm lo cho gia đình. Còn lớp người trẻ, đa phần vì nặng gánh mưu sinh, phải gác lại tình yêu dành cho nghề truyền thống. Học chưa xong phổ thông, vì hoàn cảnh gia đình, Trang theo dòng người ở quê đổ lên tỉnh Bình Dương làm công nhân cho doanh nghiệp may mặc. Trong suốt thời gian đó, cô gái trẻ mãi canh cánh về quê nhà, nuôi dưỡng tình cảm dành cho nghề truyền thống.

“Dù gọi là làng nghề, nhưng trước giờ chỉ làm những sản phẩm, như: Đệm, túi xách đi chợ… mà chưa có những sản phẩm với mẫu mã mới, có giá trị cao. Trong khi thực tế, cỏ bàng ở địa phương có chất lượng tốt, cọng bàng nhuyễn, đều, khi phơi khô có màu vàng óng ánh và mùi thơm của cỏ rất tự nhiên mà không phải nơi nào cũng có được” - Trang chia sẻ.

Kiểm tra sản phẩm trước khi bán ra thị trường

Vậy là ngoài thời gian làm công nhân, rảnh rỗi Trang tham gia vào các hội, nhóm mua bán đồ thủ công mỹ nghệ trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Khi đó, Trang nhận ra, nhu cầu về các sản phẩm thủ công của thị trường rất nhiều, tuy nhiên họ yêu cầu rất cao về mẫu mã, chất lượng. Từng đối tượng hướng đến dòng sản phẩm khác nhau, vừa thời trang lại tiện dụng, giá cả cạnh tranh.

Thấy vậy, Trang xin thôi làm công nhân, trở về quê hương để triển khai ý tưởng kinh doanh của mình. Có sẵn nghề may, Trang thuê người đan đệm bàng thành những tấm manh theo kích thước giao ước sẵn. Vậy rồi, cô gái trẻ tự lên ý tưởng cho sản phẩm, từ cắt rập mẫu, đến may vải… để không lâu sau, những chiếc túi xách thời trang, đồ decor nhà, với chất liệu là cỏ bàng được ra mắt.

Ban đầu, Trang may, chụp ảnh mẫu rồi mang tặng bạn bè, người thân để giới thiệu sản phẩm. Ai cũng bất ngờ vì từ cọng cỏ bàng trước giờ chỉ quen làm đệm bàng, túi xách đi chợ giá rẻ mà giờ có thể làm ra những sản phẩm thời trang, đẹp và hợp với xu hướng như vậy.

Bên cạnh đó, Trang còn chào hàng trên các trang mạng xã hội để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Nhờ sự sáng tạo của mình, Trang may ra được rất nhiều sản phẩm đẹp, được đông đảo khách hàng chú ý. Vì có sẵn nghề may, thêm yêu thích sợi bàng, hầu như mẫu mã nào khách yêu cầu, Trang đều có thể làm ra được.

Hướng đến sản phẩm thân thiện môi trường nên tất cả nguyên liệu để làm ra túi xách đều là nguyên liệu tự nhiên. Từ cỏ bàng, đến vải lót trong túi cũng được sử dụng nguyên liệu là cotton mộc được làm từ gỗ, dù giá thành có cao hơn vải thông thường. Bên cạnh những sản phẩm túi xách đơn giản, Trang còn kết hợp với thợ vẽ, điêu khắc Laser, trang trí nhiều họa tiết lên sản phẩm nên thêm bắt mắt, được thị trường đón nhận.

Không chỉ phát triển thị trường trong nước, Trang còn mong muốn được mở rộng sang thị trường nước ngoài. Và, khi thị trường phát triển rộng hơn, người dân địa phương sẽ có thêm việc làm, thu nhập để ở lại quê hương giữ nghề...

Giới thiệu văn hóa ẩm thực

Cô gái trẻ Hứa Thị Rokyah là người con của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm, sinh sống ở làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu). Khi còn nhỏ, Rokyah ấp ủ mong muốn, được giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, đặc biệt là văn hóa ẩm thực đến với bạn bè gần xa. Rokyah là con gái út của ông Hứa Hoàng Vũ (chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh lạp xưởng bò ANAS, cơ sở làm lạp xưởng bò nổi tiếng ở làng Chăm Châu Phong).

Tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), Rokyah có thời gian đi làm để học tập cách kinh doanh, tiếp cận thị trường, sau đó quyết định quay về quê phát triển thương hiệu, mở rộng cơ sở chuyên nghiệp hơn.

Với quyết định quay về quê để khởi sự kinh doanh cùng gia đình, Rokyah hầu như không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn bảo vệ quan điểm “rời phố về quê” và cố gắng thuyết phục bằng kế hoạch kinh doanh rất rõ ràng. Không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, Rokyah còn kết nối các sản phẩm du lịch (DL) ở địa phương, tạo thành điểm nhấn ấn tượng với du khách đến tham quan, DL.

Sản phẩm lạp xưởng bò, khô bò của cơ sở ANAS đạt được chứng nhận OCOP 3 sao

Rokyah liên hệ với các hướng dẫn viên DL trong và ngoài tỉnh để bổ sung thêm chương trình tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất tung lò mò tại cơ sở ANAS vào tour DL làng Chăm. Ngoài việc được tham quan dây chuyền sản xuất tung lò mò, trực tiếp trải nghiệm và thưởng thức thành quả làm ra, du khách được giới thiệu về những món ăn truyền thống, kèm theo đó là câu chuyện về văn hóa lâu đời của đồng bào DTTS Chăm. Trong suốt quá trình đó, Rokyah đảm nhận vai trò hướng dẫn, thuyết minh cũng như giải thích về sự ra đời, tên gọi của món tung lò mò, gắn liền với tập quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Chăm.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi, Rokyah tập trung nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm lò mò pđăm (khô bò) được tẩm ướp theo hương vị truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. Thành công ngoài mong đợi, sản phẩm khô bò được người tiêu dùng ưa thích, cả mùi vị lẫn giá cả đều rất phù hợp. Lần đưa ra thị trường đầu tiên bán được mấy chục ký, đơn hàng đến từ các tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc. Thấy vậy, Rokyah mang sản phẩm khô bò tham gia OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), chỉ trong một thời gian ngắn đã được chứng nhận 3 sao.

“Khi đi học ở TP. Hồ Chí Minh, thấy tên của em đặc biệt, khi biết là người DTTS Chăm, mọi người đều đoán rằng quê em ở tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, mà không ai đoán rằng là An Giang. Điều đó làm em suy nghĩ, nhất định phải làm gì đó để mọi người biết đến ở An Giang, nơi có người DTTS Chăm sinh sống. Nơi đó, không chỉ có người dân thân thiện và phong cảnh hữu tình, mà còn có những sản phẩm thổ cẩm đặc trưng, đặc biệt là những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là mong muốn của em khi quay trở về phát triển ở quê mình” - Rokyah khẳng định.

Không chỉ có hương vị, cách chế biến đặc biệt, ở mỗi sản phẩm đưa ra thị trường, Rokyah đều gắn kèm theo câu chuyện văn hóa của dân tộc, như một cách để vừa quảng bá sản phẩm, vừa xen lẫn tự hào.

Bằng rất nhiều cách làm và thể hiện khác nhau, những người trẻ muốn đóng góp một phần công sức để giữ lại nghề truyền thống. Họ góp phần “giữ lửa” và phát triển nghề truyền thống một cách bền vững và không ngừng vươn xa, qua đó tạo được việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với nghề.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích