Ông Nguyễn Đình Hải thăm hỏi quá trình chăn nuôi của anh Khưu Văn Út
Từ năm 2012, tôi đã nắm bắt thông tin xã Vĩnh Trạch sáng tạo, đi đầu thực hiện mô hình giúp người dân vượt khó thoát nghèo bằng cách cho mượn vốn chăn nuôi bò. Ngay sau đó, tôi đến địa phương trực tiếp tìm hiểu, được Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Huỳnh Công Tấn (hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã) chia sẻ và hướng dẫn tận tình đến các hộ dân để tác nghiệp. Tôi còn nhớ nhân vật phỏng vấn là anh Vương Thanh Nhàn, thanh niên 29 tuổi ngụ ấp Vĩnh An.
Anh từng chia sẻ: “Ấp ủ dự định nuôi bò nhiều năm nay, nhưng vì nhà nghèo nên tôi không thể thực hiện được. Làm nghề phụ hồ, làm sao tích cóp được số vốn lớn để chăn nuôi. May nhờ có Xã đoàn và UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch hỗ trợ 15 triệu đồng, cộng với tiền nhà dành dụm được (3 triệu đồng), tôi mua được đôi bò như ý nguyện”. Nay trở lại địa phương, ghé thăm gia đình, mới thấy sự cần mẫn, chăm chỉ của anh, cùng số vốn mượn mua đôi bò kịp thời của địa phương giúp gia đình anh Nhàn vươn lên, cải thiện kinh tế gia đình.
Lần này, tôi ghé thăm thêm gia đình anh Khưu Văn Út (ngụ ấp Trung Bình Nhì), càng thêm phấn khởi. Anh Út chia sẻ: “Tôi may mắn được xét chọn cho mượn vốn từ sớm. Ngày trước, vợ chồng tôi sống trong căn nhà lụp xụp, hở trước trống sau. Vợ chồng đi làm thuê, mướn cả ngày, nhưng đời sống không được cải thiện.
Lúc bấy giờ, địa phương đến bàn bạc, cho tôi mượn 15 triệu đồng, đủ để mua đôi bò giống. Họ dặn tôi cứ yên tâm chăm sóc, khoảng 2 năm khi bò trưởng thành, bán được giá thì gửi lại phần vốn để địa phương tiếp tục cho hộ khác vay mượn. Tôi như người trong cơn nắng hạn gặp mưa rào, có thêm năng lượng làm việc.
Tôi siêng năng sáng sớm đi men theo bờ đê hái cỏ, cho bò ăn uống đàng hoàng, rồi mới bắt tay vào công việc làm mướn. Sau 2 năm, tôi bán được đôi bò hơn 20 triệu đồng, có tiền sửa sang nhà cửa. Thấy tôi chí thú làm ăn, địa phương tiếp tục cho tôi mượn vốn nuôi bò nhiều năm nay. Hiện, tôi vẫn đang nuôi 1 cặp bò, cố gắng hoàn trả 10 triệu đồng, để địa phương hỗ trợ gia đình khác có điều kiện chăn nuôi”.
Đánh giá về mô hình, Chủ tịch UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch Nguyễn Đình Hải cho biết: “Chương trình cho hộ nghèo vay mượn vốn chăn nuôi xoay vòng xuất phát từ ý tưởng của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trạch Huỳnh Ngọc Bé. Đến nay, chương trình đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân địa phương, đời sống họ thật sự cải thiện, hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, địa phương chăm lo thêm mái nhà, giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định và đỡ đần cho cha mẹ. Xuyên suốt 10 năm, UBMTTQVN xã cố gắng quản lý chặt chẽ nguồn vốn ban đầu. Trong 1-2 năm, hỗ trợ cho 5-6 hộ thoát nghèo, 10 năm, xã giúp trên 60 hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi, hoàn vốn để xoay vòng cho hộ khác. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo địa phương giảm đáng kể, còn 38 hộ nghèo, 196 hộ cận nghèo, 166 hộ có hoàn cảnh khó khăn”.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển nguồn quỹ thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hải thông tin: “Hiện, chúng tôi quản lý và vận động các nhà hảo tâm đóng góp nguồn quỹ được 400 triệu đồng. Trong đó, chúng tôi dành 300 triệu đồng để hỗ trợ 18 hộ chăn nuôi bò, 100 triệu đồng còn lại giúp đỡ 7 hộ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có thêm nguồn vốn để bán vé số, mua bán nhỏ lẻ, bán hàng rong. Các hộ có thu nhập sẽ hoàn trả lại mỗi tháng cho quỹ, để tiếp tục xét cho hộ khó khăn khác vay mượn vốn. Với sự đồng hành, ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, sự tận tâm của cán bộ địa phương và khát khao thoát nghèo của chính bản thân người nghèo, chúng tôi hy vọng nguồn quỹ được sử dụng hiệu quả, thật sự là “cần câu” giúp họ vươn lên, ổn định cuộc sống”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG