Trình bày sự việc với phóng viên Báo An Giang, bà Lê Thị Ngọc Bích cho biết: “Từ giới thiệu của bà Trần Thị Ph. (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành), đầu năm 2018, tôi mua 144,6m2 đất tọa lạc tổ 19, ấp Tà On, xã Châu Lăng của vợ chồng ông Dưỡng, bà Nghiệm. Giá mua tài sản 150 triệu đồng, nhưng chỉ ghi 80 triệu đồng. Đất này, UBND huyện Tri Tôn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 30-12-2011, do bà Kiều Thị Nghiệm đứng tên, trên đất có căn nhà. Sau khi mua, tôi làm hợp đồng cho vợ chồng bà Nghiệm thuê lại giá 7,5 triệu đồng/tháng. Ngày 17-9-2018, tôi cùng vợ chồng bà Nghiệm, chị Trần Thị Ph. và ông Phạm Thanh Lâm đến Văn phòng Công chứng Tri Tôn làm thủ tục sang nhượng đất. Đến đây, tôi biết được GCNQSDĐ do ông Lâm đứng tên, UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 10-3-2014. Giải thích việc này, bà Nghiệm nói do vợ chồng bà thiếu nợ ông Lâm, nên sang nhượng đất “làm tin”, nhưng đất vẫn do vợ chồng bà quản lý và sử dụng. Còn nợ tiền, vợ chồng bà bán đất thanh toán cho ông Lâm”.
Tìm hiểu về số đất 144,6m2, bà Bích được nhiều người cho biết có thể mua và sang nhượng được. “Sau đó, ông Phạm Thanh Lâm làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 144,6m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tôi. Để bảo đảm, tôi cùng ông Lâm, người liên quan đến Văn phòng Công chứng Tri Tôn làm thủ tục sang nhượng đất. Coi như nắm chắc, tôi đến Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Tri Tôn làm thủ tục chuyển QSDĐ từ ông Lâm sang tên tôi. Trong khi chờ nhận kết quả, ngày 5-10-2018, tôi được thông báo: việc chuyển quyền không thực hiện được. Lý do là 144,6m2 đất chuẩn bị chuyển nhượng đã có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật. Tôi mua tài sản tuân thủ các quy định của pháp luật, nhưng vẫn chưa được nhận nhà đất. Khi giao tiền mua tài sản, tôi mới biết đất của bà Nghiệm đã bán cho ông Lâm. Họ cố tình che giấu nhằm mục đích lấy lại tài sản đã bán. Tôi yêu cầu xử lý vợ chồng bà Nghiệm và cá nhân ông Lâm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; buộc họ trả lại nhà, đất tôi đã mua hợp pháp. Đồng thời, buộc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Tri Tôn, Văn phòng Công chứng Tri Tôn liên đới chịu trách nhiệm về việc này” - bà Lê Thị Ngọc Bích đề nghị.
Bà Lê Thị Ngọc Bích trình bày sự việc
Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Tri Tôn cho biết: “Cuối tháng 9-2018, chúng tôi tiếp nhận hồ sơ chuyển QSDĐ của bà Lê Thị Ngọc Bích đối với đất tọa lạc ấp Tà On, xã Châu Lăng. Thẩm định thửa đất, chúng tôi thấy GCNQSDĐ số BO 425534 do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 10-3-2014 cho ông Phạm Thanh Lâm đã bị tuyên hủy theo Bản án số 30/2016/DS-ST ngày 20-9-2016 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tri Tôn và Bản án số 31/2017/DS-PT ngày 15-2-2017 của TAND tỉnh An Giang. Do đó, yêu cầu của bà Bích không thực hiện được. Sau đó, bà Bích nhiều lần đến đơn vị yêu cầu ngăn chặn việc chuyển QSDĐ số BO 425534 cho người khác. Chúng tôi đã hướng dẫn bà Bích đến TAND, cơ quan Thi hành án Dân sự để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Qua việc này, chúng tôi khuyến cáo: trước khi sang nhượng đất, tài sản gắn liền với đất, người mua cần liên hệ với cơ quan chức năng để hiểu rõ về tài sản sắp mua, nhất là về đất thổ cư, đất nông nghiệp. Hiện bà Nghiệm đang yêu cầu UBND huyện Tri Tôn khôi phục GCNQSDĐ theo quyết định của tòa án”.
Văn phòng Công chứng Tri Tôn thông tin: “Ngày 17-9-2018, chúng tôi tiếp nhận Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền đất theo GCNQSDĐ số BO 425534. Ông Lâm là bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng là bà Bích. Hai bên đã ký tên thực hiện chuyển nhượng QSDĐ trước mặt công chứng viên. Chúng tôi đã chứng nhận tính xác thực của hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật”.
Được biết, Bản án số 30/2016/DS-ST ngày 20-9-2016 của TAND huyện Tri Tôn tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đối với 144,6m2 đất thổ cư tọa lạc ấp Tà On, xã Châu Lăng giao kết giữa ông Phạm Thanh Lâm và bà Kiều Thị Nghiệm là vô hiệu; hủy GCNQSDĐ số BO 425534 do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 10-3-2014 cho ông Phạm Thanh Lâm. UBND huyện Tri Tôn có trách nhiệm khôi phục giá trị pháp luật của GCNQSDĐ số BB 023451 do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 30-12-2011 do bà Kiều Thị Nghiệm đứng tên. Đồng thời, buộc bà Nghiệm trả cho ông Lâm số tiền gần 53 triệu đồng. Ông Lâm kháng cáo. Sau đó, Bản án số 31/2017/DS-PT ngày 15-2-2017 của TAND tỉnh không chấp nhận yêu cầu ông Lâm, cơ bản giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.
Luật sư Trần Ngọc Phước, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh nhận định: “Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện nhiều dạng thức và rất tinh vi. Từ diễn biến nói trên cho thấy, vợ chồng bà Nghiệm cùng ông Phạm Thanh Lâm biết GCNQSDĐ đã bị hủy, nhưng vẫn tìm cách đưa tài sản để giao dịch. Đây là hành vi có dấu hiệu gian dối nhằm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản khi có điều kiện. Nếu có đủ chứng cứ, cơ sở, hành vi trên có thể bị quy kết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Bộ luật Hình sự hiện hành”.
Bài, ảnh: N.R