Nhà hảo tâm ở xứ cù lao

16/09/2021 - 05:09

 - 10 năm nay, khi ổn định cơ ngơi với 2 công ty may mặc tại quê nhà, anh Nguyễn Văn Lắm dần trở thành gương mặt quen thuộc, luôn đồng hành cùng công nhân lao động và người nghèo khó, hoạn nạn. Hơn cả sự sẻ chia, vị doanh nhân trẻ này mong muốn việc làm của mình “truyền lửa” đồng cảm, nhiều người cùng chung tay nâng đỡ để người nghèo được trao cơ hội vươn lên.

Công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh của anh Lắm đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 300 công nhân, chủ yếu ở xã Tân Hòa và Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Những ngày “gồng mình” sản xuất trong dịch bệnh, số lượng lao động giảm khá lớn, phân xưởng thu hẹp quy mô, anh Lắm vẫn quan tâm chăm lo cho mọi người, đảm bảo các điều kiện, chính sách theo quy định. Tập thể công ty còn bỏ ngày công đóng gói hơn 700 phần quà để tổ chức chuyến xe nhân ái gửi đến người dân và công nhân đang gặp khó khăn ở tỉnh Bình Dương. Trước đó, công ty hỗ trợ 4 tấn gạo, nhu yếu phẩm cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phú Tân, khu vực đang phong tỏa của xã Hòa Lạc, ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 huyện 40 triệu đồng…

Xuất thân là công nhân nghèo, nếm trải đủ vất vả, thiệt thòi của cuộc sống khó khăn, nên khi vươn lên làm chủ, anh Lắm tự nhủ sẽ xây dựng môi trường làm việc thật tốt cho người lao động. Có lẽ vì vậy, đối với lao động, họ cảm nhận nơi anh sự nhiệt tình “khác biệt”. Ở công ty, hay tin công nhân hoặc thân nhân của họ bị bệnh, tai nạn, qua đời… anh đều xuất tiền túi lo liệu chu toàn. Cuối năm 2020, xảy ra vụ hỏa hoạn thiệt hại 9 căn nhà ở xã Tân Hòa, anh Lắm khẩn trương đóng góp, giúp bà con có vật dụng, tiền mặt, thực phẩm trang trải tức thời. Anh Lắm cho biết, mọi hỗ trợ dành cho người khó khăn, không kể đối tượng hay hoàn cảnh như thế nào, khi phát tâm giúp đỡ, anh chỉ gửi gắm kỳ vọng: họ sẽ vượt lên nghịch cảnh, thoát khỏi bi quan để sống tốt hơn.

Anh Nguyễn Văn Lắm trao học bổng cho em Huỳnh Thị Diệu có điều kiện vào đại học

Không phải từ khi làm chủ thì anh Lắm mới mong muốn làm việc thiện giúp người. Tâm nguyện ấy đã được anh ấp ủ từ rất lâu, xuất phát từ nỗi niềm của cậu học trò nghèo không thể thực hiện tròn ước mơ của mình. “Ở lớp 12, tôi khát khao được bước tiếp đến giảng đường đại học như bao bạn bè đồng lứa. Nhưng vì gia cảnh không cho phép, tôi phải chọn hướng vào đời sớm và mưu sinh bằng sức lao động” - anh Lắm chia sẻ. Nhiều năm kiên trì, người khác chủ yếu làm lụng để kiếm tiền nuôi thân, nhưng anh Lắm thì “tham lam” học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ tất cả công việc, con người và thầm vẽ con đường riêng của mình. Năm 2010, chàng công nhân chịu thương chịu khó trở về quê lập nghiệp, mở công ty may xuất khẩu ba-lô, rồi dần mở rộng quy mô và sản phẩm đa dạng theo đơn hàng của đối tác.

Trước thềm năm học mới 2021-2022, qua đề xuất của lãnh đạo huyện Phú Tân, anh Lắm đã đến tận nơi tìm hiểu, hỗ trợ học bổng cho em Huỳnh Thị Diệu. Gia đình em Diệu ở xã Phú Thọ, 3 nhân khẩu sống dựa vào việc làm thuê cho các cơ sở trong xóm lò đất, đồng lương hàng ngày vốn đã bấp bênh. Ngay lúc dịch bệnh xảy ra, tất cả lao động phải nghỉ làm, không có thu nhập, thì Diệu thi đậu vào ngành Công nghệ sinh học (theo nguyện vọng 1 của Trường Đại học Nông Lâm). Mọi người hỏi thăm, cô trò nhỏ nghẹn ngào: “Em vui mừng vì nỗ lực 12 năm đèn sách đã thành hiện thực. Nhưng cả nhà càng thêm lo lắng vì không có khả năng lo nổi học phí cũng như những khoản khác. Mọi suy nghĩ đều dừng lại ở đó, không tính toán được gì hơn…”.

Giải tỏa nỗi lo cho gia đình em Diệu, anh Lắm đã hỗ trợ chi phí năm học đầu tiên 56 triệu đồng. Trước mắt, anh trao trực tiếp 20 triệu đồng và quà tặng cho gia đình em Diệu, số tiền còn lại được chuyển vào tài khoản hàng tháng. Đây là một trong những suất học bổng giá trị nhất anh Lắm từng trao tặng. Ở huyện cù lao còn nhiều khó khăn, anh mong muốn từ khởi đầu này, huyện Phú Tân sớm thành lập nguồn quỹ riêng chăm lo cho sự nghiệp trồng người, kết nối các tổ chức, cá nhân cùng nâng đỡ học trò nghèo có điều kiện thực hiện ước mơ học tập.

MỸ HẠNH