Nhà khoa học 15 tuổi được TIME chọn là ‘Trẻ em của năm’

04/12/2020 - 18:40

Tạp chí TIME đã thông báo giải thưởng “Trẻ em của năm” đầu tiên và nhà khoa học 15 tuổi Gitanjali Rao (Mỹ) đã trở thành chủ nhân giải thưởng năm 2020.


Hình ảnh Rao trên bìa tạp chí TIME. Ảnh: PA

Theo Dailymail, nhà khoa học nhí này có thành tích đáng nể khi đã phát minh ra thiết bị phát hiện chì trong nước và một ứng dụng phát hiện tình trạng bắt nạt trên mạng.

Tình yêu khoa học của Rao bắt đầu từ khi cô bé mới 10 tuổi. Khi đó, cô bé phát hiện ra công nghệ cảm biến ống nano carbon, một công nghệ dùng phân tử để phát hiện hóa chất trong nước. Từ đó, đam mê khoa học lớn dần trong cô bé.


Rao đam mê khoa học từ nhỏ. Ảnh: Getty Images

Trước khi được vinh danh là “Trẻ em của năm” (Kid of the Year), Rao nằm trong danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes vì thành tích phát triển thiết bị di động thử chì trong nước uống năm 2017. Phát minh ra thiết bị phát hiện chì trong nước của Rao đã giúp giải quyết khủng hoảng nước ở Flint, Michigan.

Năm 2017 là năm cô bé Rao tỏa sáng thực sự. Khi mới 12 tuổi, Rao đã vinh dự đứng trong đội ngũ nhà khoa học trẻ hàng đầu của Mỹ nhờ phát minh ra cảm biến phát hiện chì trong nước nhanh hơn các kỹ thuật hiện có.


Cô bé đã phát minh ra thiết bị thử chì trong nước nhanh hơn các kỹ thuật hiện có. Ảnh: AP

Thiết bị mang tên Tethys có thể xách tay, dễ sử dụng, cho phép mọi người thử xem nước có an toàn không. Thiết bị có 4 bộ phận và có thể kết nối với điện thoại thông minh. 

Dự án gần đây nhất của Rao là ứng dụng Kindly, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm tình trạng bắt nạt trên mạng.


Rao được TIME chọn từ trên 5.000 ứng viên. Ảnh: Getty Images

Rao được chọn từ trên 5.000 ứng cử viên. Rao gây ấn tượng nhờ sử dụng công nghệ để đối phó với một loạt vấn đề xã hội, từ nước ô nhiễm cho tới nghiện thuốc giảm đau và bắt nạt trên mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà từ thiện kiêm nữ diễn viên Angelina Jolie, cô bé nói: “Cháu không giống một nhà khoa học điển hình của cô. Mọi người cháu nhìn thấy trên TV đều là nhà khoa học lớn tuổi hơn, thường là đàn ông da trắng… Mục tiêu của cháu đã thực sự chuyển từ không chỉ chế tạo thiết bị riêng để giải quyết vấn đề thế giới mà còn truyền cảm hứng để người khác làm điều tương tự”.

Rao cho biết từ kinh nghiệm bản thân, không dễ dàng gì khi không thấy ai giống mình. Cô bé cho biết muốn thực sự muốn truyền thông điệp: Nếu tôi có thể làm được, bạn cũng có thể làm được và ai cũng có thể làm được.

Rao học trường khoa học Highlands Ranch và hy vọng học về gien và dịch tễ tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Cô bé từng ba lần là diễn giả của TED Talk và năm 2018, Rao được trao Giải thưởng Tuổi trẻ vì Môi trường của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Theo THÙY DƯƠNG (/Báo Tin tức)

 

Liên kết hữu ích