Chỉ tính riêng trong năm 2017, nước ta đã phải hứng chịu hơn 16 cơn bão, trong đó có 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh ven biển, nghiêm trọng nhất là cơn bão số 10 và 12. Nhiều đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm hơn 386 người chết và mất tích, cùng hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hàng chục ngôi làng bị cô lập bởi bão lũ.
Tần suất cơn bão kết hợp với triều cường ở vùng ven biển, thủy triều và lũ lụt ngày càng tăng lên do hậu quả của BĐKH. Nhà cửa của người nghèo và cận nghèo ở Việt Nam được cải thiện. Phần lớn người dân, trong đó có người nghèo, đã nâng cấp nhà được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu địa phương với khung tre, lợp lá, rơm rạ thay thế bằng xi-măng, gạch, mái lợp ngói, tole. Tuy nhiên, nhiều nhà kiên cố và bán kiên cố không thể chống lại tác động của mưa bão và lũ lụt xảy ra thường xuyên. Nhất là khi thiên tai xảy ra liên tục, thường xuyên dẫn đến thiệt hại cứ lặp đi, lặp lại làm cho nhà cửa hư hại, nên tình trạng nghèo đói cứ đeo bám.
Những căn nhà sàn đơn sơ chống chọi giữa bốn bề nước lũ sẽ khó đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân
Năm 2015-2016, Tổ chức Hội thảo và Phát triển Pháp (DWF) phối hợp Bộ Xây dựng thiết kế các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn xây dựng tại các khu vực có nguy cơ bão lũ và vùng ven biển nhằm giúp giải quyết các vấn đề do BĐKH gây ra. Theo đó, các tiêu chuẩn này giúp cập nhật các chương trình về xây dựng an toàn trong khu vực chịu bão lụt, cân nhắc các rủi ro, nhu cầu và kỹ thuật xây dựng hiện tại, tương lai. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát thực tiễn, nhằm mục đích cải thiện kết cấu và các bộ phận của căn nhà, đảm bảo chống chịu tác động của gió bão, lũ lụt, triều cường.
Trong quá trình triển khai, DWF đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thu hút sự tham gia của các hộ gia đình và cộng đồng trong việc xây dựng nhà an toàn. Việc nâng tầm các kinh nghiệm ở những nơi triển khai thí điểm thành tiêu chuẩn quốc gia và sửa đổi khung chính sách là một thành công lớn của các sáng kiến thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, việc thu hút sự tham gia của Sở Xây dựng các tỉnh trong đánh giá thực tiễn và nhu cầu của địa phương, để sau đó giúp họ ứng dụng các kết quả tại địa phương mình. Trong số hơn 25.000 hộ gia đình nghèo, dễ bị tổn thương có rất nhiều thí dụ điển hình về xây nhà an toàn, gồm: xây phần mở rộng, nâng cao trên mực nước lũ… nhằm tạo nơi an toàn cho người hoặc gia súc. “Trong quá trình khảo sát chúng tôi thấy rằng, sau khi trải qua những trận bão lũ, hầu hết người dân sửa chữa nhà cửa nhanh chóng, qua loa để khôi phục không gian sống, mà không hề áp dụng một kỹ thuật chống bão, lũ nào, ngay cả khi kỹ thuật này rất đơn giản, chi phí thấp. Điều này dẫn đến những thiệt hại tiếp theo nếu xảy ra bão, lũ lần sau” - một cán bộ thực hiện dự án của DWF cho biết.
Có thể thấy, nhà an toàn là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân trước tác động ngày càng gia tăng của BĐKH. Các chuyên gia đánh giá, sự hỗ trợ thúc đẩy các biện pháp xây dựng nhà an toàn sẽ mang lại lợi ích cho người dân, nhất là đối với người nghèo và cận nghèo.
Bài, ảnh: HỮU HUYNH