Dù chính thức ra mắt vào ngày 2/3/1934, nhưng Tự lực văn đoàn được Nhất Linh khởi xướng từ năm 1932. Sự ra đời khởi xướng một trường phái, một phong trào cách tân văn hóa, văn học, đại diện cho khuynh hướng văn thơ lãng mạn, một sự phát triển hướng đến hiện đại hóa văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Đặc biệt, ngoài trình diện nhiều nhà văn, nhà thơ lãng mạn vang danh, văn đoàn sáng tạo ra 2 nhân vật biếm họa Lý Toét và Xã Xệ độc đáo, mà gần trăm năm qua vẫn là “siêu sao”. Với 10 điều tôn chỉ của mình, ngoài mục đích tự lực, làm giàu thêm văn sản trong nước, Tự lực văn đoàn phê phán những thói tục phong kiến lạc hậu, đề cao tư tưởng, văn hóa mới lạ, các phong trào xã hội tiên tiến, cổ vũ cho tự do cá nhân...
Danh sách văn đoàn có 7 “thất tinh” (7 ngôi sao), gồm: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Biết sở trường của các thành viên, Nhất Linh khuyến khích Khái Hưng từ viết luận thuyết chuyển sang tiểu thuyết trữ tình; Tú Mỡ chuyên làm thơ trào phúng; Trọng Lang đi hẳn vào ký sự, phóng sự. Còn Thế Lữ, dưới con mắt của Nhất Linh phải là người mở đầu cho thơ mới.
Và sau đó, mỗi thành viên đều giữ vai trò “ông tổ” loại hình mà mình “trấn giữ”. Cụ thể, cây bút tiểu thuyết của Khái Hưng không ai tranh ngôi vị; còn giọng thơ trào phúng nói thật như đùa của Tú Mỡ thì khó có người qua mặt. Thạch Lam lại nổi tiếng với những trang văn đầy chất thơ, trong trẻo như nắng sớm, sương mai. Thế Lữ được cả làng thơ thừa nhận là “chủ soái” của thi đàn và Xuân Diệu - người tiếp bước ông đem lại sự toàn thắng cho thơ mới.
Thế Lữ (1907 - 1989) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh ở Hà Nội, nhưng tuổi thơ gắn bó với miền rừng núi Lạng Sơn. Năm 23 tuổi ông thi vào trường Mỹ thuật, nhưng không học, sau đó viết truyện và làm thơ. Năm 1932, ông tham gia Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của 2 tờ Báo “Phong hóa” và tờ “Ngày nay”. Từ năm 1942, ông chuyển sang viết kịch, diễn kịch và ở lĩnh vực đó cho đến khi qua đời.
Theo bài viết “Thế Lữ - người khai sáng phong trào thơ mới” của nhà thơ Vũ Quần Phương, đóng góp của Thế Lữ cho sân khấu kịch là tư cách người khai sáng bộ môn này. Ông còn khởi xướng thành công phong trào thơ mới, trong khi thơ cũ không đủ sức phô diễn tình cảm mới, tư tưởng mới. Năm 1933 - 1941, ông ra mắt 2 tập thơ, sau bổ sung thành tập “Mấy vần thơ”, nhưng lại có ý nghĩa khai sinh một chặng phát triển mới cho nền thơ Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 1932, không ít thi sĩ đưa vào thơ nhiều thay đổi về nội dung lẫn hình thức, xảy ra tranh luận sôi nổi, nhưng Thế Lữ lặng lẽ làm thơ và tự “cất lên một cõi riêng”. Khi tập “Mấy vần thơ” ra đời, lần đầu công chúng thơ được “nếm” thi vị hoàn toàn mới, một dạng xúc động mới, cùng một tâm hồn mới. Và từ đây, ngôi thứ đầu bảng của Thế Lữ được công nhận, xuất hiện nhiều tập thơ tiêu biểu của các tác giả khác thời kỳ này, như: “Tiếng thu” (năm 1937) của Lưu Trọng Lư; “Thơ thơ” (năm 1938) của Xuân Diệu; “Lửa thiêng” (năm 1940) của Huy Cận và “Thơ say” của Vũ Hoàng Chương; “Điêu tàn” của Chế Lan Viên, cùng bốn bài thơ của T.T.Kh trên “Tiểu thuyết thứ bảy”.
Thế Lữ không đi tận cùng với thơ, nhưng nghệ thuật ngôn từ, âm điệu, hình ảnh thơ của ông đạt tới độ đủ chuyên chở cõi mộng của hồn ông. Hãy nghe ông tả âm thanh: “Êm như hơi gió thoảng cung tiên/ Cao như thông vút, buồn như liễu/ Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên” và thấy ông lưu khoảnh khắc: “Mây hồng ngừng lại sau đèo/ Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi ”.
Bài thơ “Nhớ rừng” thuộc vào loại hay nhất của Thế Lữ, là một tuyên ngôn không chấp nhận bó buộc, cái tầm thường; thể hiện sự u uất của lớp thanh niên, niềm thức tỉnh ý thức cá nhân, bất hòa với tù túng, khao khát tự do, cũng là tâm trạng của người dân nước Việt bấy giờ. Mượn lời con hổ ở vườn bách thú “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” nằm nhớ cảnh rừng xưa, thuở hổ tự do tung hoành giữa sơn lâm bóng cả, “Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/...Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/...Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi...”.
Thế Lữ trước sau vẫn được coi là một trong ít người cách tân hàng đầu của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Có ông, thơ Việt Nam khép lại loại thơ cổ điển, mở ra phong trào thơ mới, đáp ứng yêu cầu tâm hồn con người thời ông và kết thúc bằng thuyết phục của Tự lực văn đoàn và tài năng thơ ông vào loại hàng đầu.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan ghi nhận: “Nhà thơ Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới. Thơ ông không phải chỉ mới ở lời, mà còn mới cả ở ý nữa”. Ở cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đặt ông vào vị trí số một của phong trào thơ mới, nhận định: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”.
Đúng như lời bài thơ “Cây đàn muôn điệu” của ông, cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Thế Lữ cũng đa dạng, phong phú, ở lĩnh vực thơ trữ tình, truyện ngắn, truyện dài và kịch nói sân khấu đều ghi nhận là người tiên phong, mở đầu. Thế Lữ qua đời ngày 3/6/1989, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Hai... và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật lĩnh vực sân khấu. Tên ông được đặt cho một số con đường ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng.
NGUYÊN HẢO (Tổng hợp)