Nhạc sĩ Quốc Dũng: Tài giỏi, đào hoa và 40 năm bên Bảo Yến

25/09/2023 - 13:58

Quốc Dũng - nhạc sĩ tài giỏi của những bản tình ca buồn trút hơi thở cuối cùng, khép lại cuộc đời dài nếm đủ vinh quang, hạnh phúc lẫn cay đắng.

Nhạc sĩ Quốc Dũng mất ngày 24/9 tại nhà riêng sau thời gian điều trị bệnh nặng, hưởng thọ 72 tuổi. Nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn nhớ dù ông đã dừng sự nghiệp từ lâu.

Nhạc sĩ Quốc Dũng.

Nhạc sĩ tài giỏi điển trai

Hồi bé, trong nhà Quốc Dũng từ khi nào đã có một chiếc đàn mandolin cũ sờn được ông nội truyền lại bố - thứ dẫn lối ông đến với âm nhạc.

Quốc Dũng bộc lộ tài hoa từ sớm: 11 tuổi viết bản nhạc không lời đầu tiên; 15 tuổi tốt nghiệp thủ khoa Nhạc pháp Tây Phương Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, về làm việc tại một đài truyền hình, chơi nhạc 'như sàn gạo'; 17 tuổi rời đài hoạt động độc lập và trình làng ca khúc đầu tay.

Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau/ Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu/ Vì mình xa nhau nên em chưa biết xuân về đấy thôi/ Giọt sương vẫn rơi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai... - không ai nghĩ những câu hát sâu sắc, trải đời này được viết năm ông 17 tuổi.

Bài kế tiếp Mai khiến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thích mê, liền đi tìm người sáng tác, không ngờ gặp một cậu bé 18 tuổi, kém mình đúng một giáp.

 

Cặp Quốc Dũng - Thanh Mai ngày ấy.

Những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến ở miền Nam, Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc ngoại và sáng tác nhạc trẻ.

Ông nổi tiếng bởi vẻ điển trai, giọng hát dịu dàng trong cặp song ca với Thanh Mai, 'làm mưa làm gió' phòng trà Sài Gòn. Ông tạo nét riêng bằng việc sử dụng nhiều nhạc cụ như mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ... trong sáng tác, biểu diễn.

Khi thị hiếu đổ dồn vào nhạc Âu - Mỹ, Quốc Dũng lại kiên định viết nhạc trẻ và nhạc trữ tình bằng tiếng Việt. Phong cách nhạc trữ tình sâu lắng, đượm buồn không chạy theo xu hướng vẫn có thị phần người nghe riêng cùng sức sống lâu bền.

Cặp Quốc Dũng - Thanh Mai ví như 'Tiên đồng - ngọc nữ' ngày càng nổi, nhất là sau khi album đầu tay của ông phát hành năm 1974 với các bài: Mai, Bên nhau ngày vui, Điệp khúc mùa xuân, Lối thu xưa, Thoát ly, Biển mộng...

'Đường xưa' - Hoàng Trang

Ít ai nhớ, Quốc Dũng còn từng đóng phim, nổi nhất vai nam chính trong phim Trường tôi (1973) của đạo diễn Lê Dân. Phim xoay quanh mối tình thầm lặng, trong sáng của Lan (Tuyết Lan) và Dũng (Quốc Dũng) ở một ngôi trường nội trú.

Sự nghiệp của Quốc Dũng gián đoạn 10 năm từ 1975 - 1985. Ông hiếm viết hay hòa âm (dù là nhạc trưởng của Nhà hát Hòa Bình), thỉnh thoảng viết cho riêng mình rồi cất đi.

Kể từ năm 1986, ông mới trở lại sáng tác âm nhạc sôi nổi, thể nghiệm nhiều phong cách âm nhạc mới, đặc biệt là các ca khúc phổ nhạc từ thơ. Ông sáng tác hàng trăm bài, viết hòa âm khoảng 5.000 bài (trong nhiều năm làm nhạc trưởng), được cho là nhiều nhất Việt Nam.

Quốc Dũng trong phim "Trường tôi".

Quốc Dũng và Bảo Yến

Quốc Dũng từng trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên kéo dài 6 năm. Bốn năm sau đó, ông tập trung làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM.

Ông nổi tiếng đào hoa, từng khiến Bảo Yến phiền lòng. Ông viết bài Em đã nghe mùa xuân chưa? từ mối tình dang dở năm 16 tuổi, viết bài Mai vì một cô gái tên Phương Mai.

Trùng hợp, Quốc Dũng nổi tiếng với các khúc ca về mùa xuân, từ Em đã nghe mùa xuân chưa?, Điệp khúc mùa xuân đến Bài ca Tết cho em. Có nhạc sĩ trong nghề bình luận: Mỗi bài xuân nổi tiếng của Dũng đều gắn với hình bóng một người phụ nữ, nhưng chỉ bài cuối cùng về Tết dành cho Bảo Yến, như thể số phận cũng sắp đặt để họ đoàn viên trọn đời.

Quốc Dũng và Bảo Yến.

Thật vậy, năm 1981, Quốc Dũng - khi ấy chơi guitar cho Đài - vì thích cô thư ký Bảo Yến 24 tuổi, người Huế, xinh đẹp kiều diễm mà viết nhạc mang tặng.

Nhạc sĩ không biết Bảo Yến từ lần đầu nhìn ông trong phòng thu cách 1 tấm kính chắn đã quay sang nói với em gái Nhã Phương: "Người đàn ông đó sẽ là chồng của chị". Vài tháng quen nhau, họ tiến tới hôn nhân.

Vì nghèo, họ chỉ dám mời 20 người thân, bạn bè, đãi tại nhà; vài tháng sau phải bán lần lượt đồ trong nhà, đến cả tấm kính cửa sổ để sống.

Suốt sự nghiệp dài hơi của Bảo Yến từ cô thư ký nhà đài đến danh ca gạo cội luôn có bóng dáng của Quốc Dũng. Ông hòa âm cho bà những bản phối hay nhất, viết cho bà những bài ca để đời.

 

Vợ chồng Quốc Dũng - Bảo Yến bên 2 con.

Cũng xuyên suốt cuộc đời dài, bao lần Bảo Yến và Quốc Dũng hợp rồi tan. Tuổi xế chiều, bà theo đạo Phật, ông cũng trở về bên gia đình. Lúc này, ông nói 'cuộc đời còn là những ân tình, may mắn vì còn Bảo Yến'.

Mấy chục năm sau Bài ca Tết cho em, Quốc Dũng và Bảo Yến có tất cả nhưng có nhiều điều đã qua không thể lấy lại. Sau tất cả, ông mang ơn vợ.

Chỉ là sau những sự cố trong đời, bao gồm vụ tai nạn giao thông kinh hoàng năm 2013, Quốc Dũng từ lâu đã dừng sự nghiệp âm nhạc. Như cách ông từng nói, 'thuộc về ngày xưa, thuộc về ký ức'.

Theo Vietnamnet