Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

05/11/2019 - 08:12

 - Những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh, qua đó nhiều mô hình làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân…

Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao. Bởi, các loại nấm ăn có đầu ra rất ổn định, được nhiều công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ ấp Hòa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi), việc trồng nấm bào ngư góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn so với cách trồng truyền thống. Ngoài ra, nấm trồng được công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không phải lo đầu ra bấp bênh. Sau gần 2 tháng trồng, trừ chi phí sản xuất, ông còn lãi từ 3-4 triệu đồng/1.000 bịch phôi. Ngoài ra, còn phải kể đến ông Huỳnh Minh Kiển (xã Bình Hòa). Mỗi năm, gia đình ông Kiển thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng và giải quyết việc làm trên 100 lao động từ mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư và sản xuất phôi giống.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Điển hình, mô hình trồng rau thủy canh của ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận). Với diện tích 3.000m2, ông Thanh trồng trên 6 loại rau xà lách các loại theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng rau được thu hoạch đóng gói tại nhà lưới xuất bán khoảng 180-250kg/ngày và giải quyết việc làm thường xuyên từ 10-15 lao động. Hay như mô hình trồng đậu nành rau của ông La Tráng Kiện (ngụ ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành). Sau khi trồng thử nghiệm 4 công mang lại hiệu quả, ông đã nhân rộng mô hình trồng đậu nành rau lên 5,2ha và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco). Nếu được công ty thu mua từ 10.500-10.750 đồng (tại nhà máy), sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 40 triệu đồng/ha. “Điều tôi an tâm nhất là ngoài việc được cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm, công ty còn thường xuyên hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh, giúp cây đậu nành rau đạt năng suất và chất lượng tốt nhất” - ông Kiện tâm đắc.

Ông La Tráng Kiện thành công với mô hình trồng đậu nành rau

Tận dụng lợi thế, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều nông dân đã mạnh dạn nuôi trồng thủy sản và đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình sản xuất cá lóc giống của ông Hồ Văn Sở (xã Vĩnh Hanh); mô hình nuôi lươn sinh sản và thương phẩm của ông Nguyễn Văn Đường (Vĩnh Bình), mô hình nuôi ba ba của ông Trương Văn Te (xã Cần Đăng); mô hình nuôi ếch Thái Lan của ông Đoàn Văn Bực (xã Vĩnh Nhuận)… Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình) bộc bạch: “Mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Người nuôi có thể tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi, bên cạnh đó vốn đầu tư cho mô hình không cao lắm. Với 8 bồn (40m2/bồn), sau khoảng 8-10 tháng nuôi, bán với giá từ 200.000-230.000 đồng/kg, gia đình tôi lãi trên 30 triệu đồng/bồn”.

Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện Châu Thành tích cực tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU