Nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

15/05/2019 - 07:39

 - Kể từ khi các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 (hay còn gọi là mô hình hợp tác xã kiểu mới), vai trò của kinh tế hộ ngày càng được khẳng định và phát huy. Chính việc cùng nhau hợp tác, sử dụng nhiều dịch vụ do hợp tác xã cung cấp (của thành viên) làm, giá thành sản xuất hạ thấp, lợi nhuận nâng lên, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn…

Hợp tác phát triển

Về thăm Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Vĩnh Bình (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, Châu Thành) những ngày này, chúng tôi nhận thấy trên gương mặt những thành viên tham gia HTX ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Vui, vì hiệu quả sản xuất mỗi mùa vụ đi qua ngày càng cao hơn; tính liên kết, hợp tác giữa Ban điều hành HTX với các thành viên được thắt chặt; quan hệ giữa thành viên với thành viên ngày càng gắn bó. Họ đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thông tin mùa vụ, giá vật tư nông nghiệp cùng nhiều thông tin khác, từ đó giúp quá trình sản xuất đạt hiệu quả cao. Mối quan hệ giữa HTX với chính quyền địa phương, doanh nghiệp (Tập đoàn Lộc Trời) đi vào chiều sâu, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX trong quá trình hoạt động.

“Vụ đông xuân 2018-2019, nông dân (không phải là thành viên HTX) ở các huyện, thị xã, thành phố sản xuất các giống lúa chất lượng cao nhưng có giống bán không quá 5.200 đồng/kg, trong khi ở HTX Vĩnh Bình, chúng tôi liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất giống lúa RVT được công ty thu mua với giá 6.400 đồng/kg. Với giá thu mua này, nông dân rất phấn khởi, những hộ giao sản phẩm đúng chất lượng, thời gian còn được công ty chia sẻ lợi nhuận lại cho nông dân 200 đồng/kg lúa. Điều này cho thấy, mô hình kinh tế hợp tác nói chung, HTXNN nói riêng là hướng đi đúng, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, giúp nông sản làm ra có địa chỉ tiêu thụ, chất lượng sản phẩm ngày càng đồng nhất…” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTXNN Vĩnh Bình Nguyễn Văn Tắc phân tích.

Dịch vụ làm đất do hợp tác xã cung cấp có giá rẻ hơn bên ngoài ít nhất 10%

HTXNN Vĩnh Bình được thành lập ngày 14-8-2015. Vốn điều lệ ban đầu là 300 triệu đồng, với 93 thành viên. Sau gần 4 năm hoạt động, số vốn này đã tăng lên 500 triệu đồng, thành viên tăng lên 116 người. Diện tích sản xuất của HTX là 710ha. HTX thực hiện nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên như: giống, làm đất, cung ứng vật tư, phun xịt, thu hoạch… Lợi nhuận năm 2016: 302 triệu đồng, năm 2017: 368 triệu đồng, năm 2018: 486 triệu đồng. “Sở dĩ HTX hoạt động hiệu quả là nhờ các thành viên nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo; Ban điều hành năng nỗ, luôn tìm ra hướng đi mới, phục vụ cho sự phát triển của HTX. Trong HTX kiểu mới, sở hữu tập thể và thành viên được phân định rõ ràng, từ đó tạo động lực để mọi người tham gia cống hiến cho cái chung” - ông Nguyễn Thành Tân (thành viên HTXNN Vĩnh Bình) chia sẻ.

Nâng cao thu nhập

Vụ đông xuân 2018-2019, gia đình ông Tân sản xuất 6ha lúa RVT theo mô hình sản xuất lúa, gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) tại Việt Nam. Mô hình được thực hiện với sự hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời và HTXNN Vĩnh Bình. Trên diện tích đất của HTX, Tập đoàn Lộc Trời liên kết với HTX cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật (thông qua lực lượng “3 cùng”) và cuối vụ thu mua sản phẩm với giá 6.400 đồng/kg. Nếu so với giá thành sản xuất (3.200 đồng/kg), nông dân HTX lãi 3.200 đồng/kg lúa. Điều đáng nói ở đây, giống lúa RVT trong vụ đông xuân, có hộ sản xuất lên đến 9 tấn/ha. HTX kiểu mới chính là con đường, xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi qua đây, vai trò của kinh tế hộ được phát huy đúng mức, đời sống của nông dân được nâng lên; sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ và chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, đồng đều hơn, thị trường tín nhiệm cao hơn.

Ở nhiều địa phương trong cả nước, HTX trở thành một trong những mô hình chống “tái nghèo” hiệu quả. Hiện các HTXNN trên địa bàn tỉnh đã và đang có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khẳng định vai trò kinh tế hợp tác cho các hộ gia đình thành viên. Đây là mô hình cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Đây là mô hình cần được nhân rộng.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 180 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số với 130 HTX. Số HTX mới thành lập những năm gần đây là 13, trong đó có 8 HTXNN. Trong HTXNN kiểu mới, thành viên gồm cả cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân (người lao động, cán bộ, công chức, các hộ sản xuất - kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế…); cả người có ít vốn và người có nhiều vốn nếu có nhu cầu tự nguyện cùng nhau lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình (theo quy định của pháp luật về HTX).

“Luật HTX năm 2012 đã thể hiện được tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới mà ở đó việc hợp tác giữa các thành viên là hạt nhân giúp cho hoạt động của HTX ngày càng hiệu quả, qua đó góp phần hoàn thiện mối quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện nay” - TS Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh phân tích.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN