Nhận thức đúng để phòng dịch hiệu quả dịch COVID-19

28/02/2020 - 15:50

Trong khi dịch COVID -19 đang bùng phát nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của con người và khiến cho nhiều quốc gia phải "gồng mình" đối phó, ở Việt Nam, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, hiện trên toàn lãnh thổ không còn trường hợp nào nhiễm bệnh.

Kĩ thuật viên chuẩn bị chụp X quang cho bệnh nhân tại khu vực cách ly đặc biệt tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên (Vĩnh phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn, tinh thần hợp tác, ủng hộ từ người dân là một trong những giải pháp hiệu quả giúp cho Việt Nam có được kết quả tích cực, chủ động đối phó với nguy cơ "đại dịch toàn cầu". 

Nguy cơ lây nhiễm cao

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (Dịch COVID-19) bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung của Trung Quốc. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1, dịch COVID -19 không còn là "chuyện riêng" của Trung Quốc nữa. Số người mắc và tử vong vì dịch tăng nhanh qua từng ngày khiến thế giới quan ngại trước tốc độ lây lan nhanh chóng tại thành phố Vũ Hán. Mọi sự quan tâm lúc bấy giờ đều đổ dồn về tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Là nước láng giềng có chung đường biên giới rất dài cùng với nhiều mối quan hệ hợp tác, giao thương, Việt Nam có nguy cơ trở thành "ổ dịch" lớn ngoài Trung Quốc. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến đêm 27/2, dịch COVID - 19 đã lây lan ra 49 quốc gia, vùng lãnh thổ với 82.184 người bị nhiễm, làm tử vong 2.801 người, trong đó quốc gia có số người mắc bệnh lớn thứ hai sau Trung Quốc là Hàn Quốc. Việt Nam có 16 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã chữa khỏi, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Nhiều quốc gia đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung, đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch COVID- 19 nói riêng. Các nhà khoa học uy tín trên thế giới cũng đưa ra nhiều nhận xét tích cực khi đánh giá về năng lực phòng dịch của Việt Nam, một đất nước còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. 

Đánh giá cao năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp của Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế, tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

Quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành

Trên thực tế, lãnh đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với dịch COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng.

Ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên tổ chức sau Tết Nguyên đán Canh Tý (ngày 5/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Lời khẳng định đó của người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để bảo vệ sức khỏe toàn dân, tạo niềm tin to lớn trong dân, là động lực để các cơ quan chức năng, chuyên môn thực hiện các kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu nhất xảy ra. 

Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (virus SARS-CoV-2) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Trưởng ban. Liên tiếp các cuộc họp được tổ chức từ cấp Trung ương đến địa phương nhằm thống nhất phương án ứng phó với 5 bước: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để.

Từ những chỉ đạo của Trung ương, các địa phương nghiêm túc triển khai theo đúng kế hoạch đã đề ra. Những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV- 2 đều được cách ly 14 ngày để theo dõi. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của bạn để nắm thông tin, cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh với phương châm "chống dịch như chống giặc" theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế thường xuyên cập nhận thông tin về tình hình bệnh dịch trên không gian mạng, gửi tin nhắn vào số điện thoại di động của từng cá nhân hàng ngày hướng dẫn nhận biết dấu hiệu và kỹ năng phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ba lần ký ban hành Chỉ thị để đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu tạm dừng nhập cảnh đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Người nhập cảnh vì mục đích công vụ, trong trường hợp đặc biệt, phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới... Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc; cơ quan chức năng quyết định cho học sinh, sinh viên cả nước nghỉ học nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. 

Tinh thần hợp tác của người dân là rất quan trọng

Sau hơn một tháng đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang kiểm soát tình hình rất tốt. Trong vòng 15 ngày kể từ 13/2, toàn quốc không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả này là tín hiệu đáng mừng, cũng là sự nối dài những thành công của Việt Nam trong các lần khống chế thành công các dịch lớn như SARS, MERS- CoV... trước đó.

Bên cạnh kinh nghiệm trong phòng, chống và xử lý dịch bệnh, Việt Nam đã tận dụng sức mạnh của cộng đồng trong việc nâng cao ý thức từng cá nhân để phòng, chống dịch COVID-2019. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nguyên nhân bùng phát dịch COVID-2019 ở Hàn Quốc là do người dân không tuân thủ theo hướng dẫn của Chính phủ, khi có dấu hiệu nhiễm bệnh không hợp tác với cơ quan chức năng để thực hiện cách ly...

Việt Nam đã làm tốt việc tuyên truyền để mọi người dân hiểu về bệnh, cơ chế lây nhiễm và phương pháp tự bảo vệ trước nguy cơ nhiễm dịch. Điều đáng mừng là những nỗ lực của cơ quan chức năng đã nhận được sự hợp tác của người dân cùng chống dịch. Điển hình là việc triển khai hoạt động giám sát và cách ly tại vùng dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi được gọi là "tâm dịch" trong những ngày qua. Chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân Sơn Lôi hiểu được rằng, mục đích của việc cách ly là để khoanh vùng, dập dịch triệt để, không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài, lây lan sang các địa phương khác. Khi người dân xã Sơn Lôi hiểu và tin rằng, việc chống dịch không chỉ đảm bảo an toàn cho riêng bản thân họ mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của với tất cả các địa phương khác cũng như với người dân trong cả nước, họ sẽ tích cực hợp tác để việc chống dịch có được kết quả tốt nhất. 

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để công tác phòng, chống dịch bệnh đi đến thành công như đánh giá của bà Erika Elvander, Giám đốc Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ: Lãnh đạo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm và chỉ đạo kịp thời, có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với COVID-19, nhất là trong việc nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Đây được coi là thành công, thắng lợi bước đầu của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh dựa trên chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tận tâm, trách nhiệm của lượng lượng chức năng cùng tinh thần hợp tác, tự giác của người dân. 

Việc giúp người dân hiểu rõ về dịch COVID-19 để từ đó có sự phối hợp, thực hiện tốt các lưu ý của cơ quan chức năng trong phòng bệnh như thường xuyên rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại gia đình... là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh.

Theo ĐỖ BÌNH (Báo Tin Tức)