Nhật Bản: Phát hiện loài thủy quái 237 triệu tuổi

08/06/2024 - 10:19

Loài thủy quái cổ đại mới thuộc về một nhóm cá sụn giống cá mập gọi là Hybodontiform, sống vào đầu thời đại khủng long.

Theo Sci-News, loài thủy quái mới có tên là Parvodus ominechonensis, sống vào thế Tam Điệp muộn (từ 237 đến 227 triệu năm trước) của kỷ Tam Điệp

Nó thuộc về Parvodus, một chi của nhánh cá sụn giống cá mập Hybodontiform đã tuyệt chủng, theo nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Tự nhiên quốc gia Nhật Bản.

Nhật Bản: Phát hiện loài thủy quái 237 triệu tuổi- Ảnh 1.

Thủy quái Parvodus ominechonensis và dòng dõi Hybodontiform của nó có ngoại hình rất giống cá mập ngày nay và có tổ tiên chung - Ảnh đồ họa: Jorge Blanco

Một số răng riêng biệt của Parvodus ominechonensis được thu thập từ Hệ tầng Momonoki không có biển ở thị trấn Omine-chō ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản.

Tuy vậy, các phiến đá chứa nó từng thuộc về một vùng biển nông thời cổ đại, cũng là dạng địa hình mà các hóa thạch Hybodontiform khác từng được khai quật.

Nhật Bản: Phát hiện loài thủy quái 237 triệu tuổi- Ảnh 2.

Các phần hóa thạch được khai quật - Ảnh: Breeden III và cộng sự

Hybodontiform phát triển xuyên suốt các kỷ Devon, Than Đá, Nhị Điệp, Tam Điệp, Jura cho đến Phấn Trắng trước khi bị tuyệt chủng.

Nhánh cá sụn này có tổ tiên gần gũi với cá mập và cá đuối hiện đại (nhánh Neoselachii).

Các hóa thạch đầu tiên được biết đến của dòng dõi Hybodontiform là tận Mississippi (Mỹ). Một số loài khác thuộc chi Parvodus từng được tìm thấy tại Trung Quốc, cũng có niên đại thuộc kỷ Tam Điệp.

Ngoài ra, một số loài Parvodus khác cũng được tìm thấy ở khắp Bắc bán cầu và Nam Mỹ, có niên đại vào kỷ Phấn Trắng.

Vì vậy, loài mới ở Nhật Bản góp phần khẳng định dòng dõi cá sụn này đã phát triển đa dạng và rộng khắp trong suốt hàng trăm triệu năm tồn tại.

Cũng theo bài công bố trên Journal of Vertebrate Paleontology, Parvodus có thể có nguồn gốc từ môi trường sống nước ngọt ở Nam Trung Quốc ngày nay, khi còn là một phần của siêu lục địa cổ đại.

Chi này có thể đã ra đời sau sự tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Nhị Điệp và đa dạng hóa ở Đông Á trong kỷ Tam Điệp, trước khi lan ra toàn cầu.

Theo ANH THƯ (Người lao động)