ĐT Việt Nam tập luyện trước trận đấu với Nhật Bản. (Ảnh: VFF)
4 thất bại liên tiếp ở vòng loại cuối World Cup 2022 là kết quả được đoán trước. Nhưng ĐT Việt Nam không chùn bước. Trước trận đấu thứ 5 với đối thủ hùng mạnh Nhật Bản, HLV Park Hang-seo vẫn nói rằng “sẽ cố gắng để có điểm”. Vậy, điều này có khả thi?
Câu trả lời là có. Oman từng gây bất ngờ khi quật ngã gã khổng lồ Nhật Bản ngay trên đất Nhật, tại sao chúng ta không thể làm điều đó khi được chơi tại Mỹ Đình? Và hãy nhớ, năm 2019 tại tứ kết Asian Cup, đội quân của HLV Park Hang-seo từng chơi một trận để đời dù thua 0-1.
Trang FoxSports sau trận đấu đó đã giật tít “Việt Nam khiến Nhật Bản phải thở dốc”, còn HLV Nhật Bản Hajime Moriyasu hai lần nói về thành công trong việc giữ sạch lưới. Sự quả cảm của các chàng trai áo đỏ khiến cả châu Á phải ngưỡng mộ, trong khi lối chơi hợp lý cùng thái độ kiên cường, tinh thần không bỏ cuộc mà họ thể hiện khiến cả đất nước phải tự hào.
Tại Dubai hôm ấy, số pha dứt điểm của Việt Nam và Nhật Bản là tương đương (8) dù đội bóng xứ sở Mặt trời mọc cầm bóng áp đảo (68% so với 32%). Bàn thắng duy nhất Nhật có được đến từ chấm phạt đền dù Đặng Văn Lâm đã đổ người đúng hướng sau cú sút của Ritsu Doan.
Vào thời gian này, Nhật còn khó khăn hơn trong khâu ghi bàn. Theo thống kê ở vòng loại cuối World Cup 2022, các học trò của Moriyasu đã tung ra 50 pha dứt điểm các loại trong 4 trận nhưng chỉ ghi được 3 bàn thắng. Nếu không tính bàn thắng do Behich của Australia phản lưới, họ có 2, đồng nghĩa với việc tỷ lệ chuyển đổi cơ hội thành bàn chỉ đạt 4%.
Con số này là rất thấp, thậm chí kém cả Việt Nam. Chúng ta đã ghi được 4 bàn thắng và chỉ duy nhất trận đấu với Australia không thể chọc thủng lưới đối phương. Mặc dù là đội yếu nhất bảng nhưng đội quân của HLV Park Hang-seo vẫn xoay sở để tung ra 36 cú dứt điểm. Tỷ lệ thành bàn 11,1% gần gấp ba thành tích của Nhật Bản.
Một thống kê khác cũng nhấn mạnh sự lãng phí của Nhật. Trong 4 trận đã qua họ tạo ra 8 cơ hội được đánh giá là ngon ăn nhưng lại bỏ lỡ 6. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có được 2 cơ hội tương tự. Việc có tới 4 bàn thắng cho thấy khả năng tận dụng thời cơ và biến điều không thể thành có thể của Tiến Linh cùng đồng đội là rất đáng khen ngợi. Mài sắc các đợt phản công và biết nắm bắt những khoảnh khắc quyết định, ghi bàn vào lưới Nhật không phải nhiệm vụ bất khả thi.
Trong trường hợp tạo nên hệ thống phòng thủ nhiều lớp và kỷ luật, cộng thêm tinh thần chiến đấu lăn xả tương tự như màn trình diễn tại Dubai cách đây gần 3 năm, chúng ta hoàn toàn có thể kiếm điểm. Tất nhiên nói dễ hơn làm, nhất là khi tuyến phòng ngự, vốn được coi là điểm mạnh nhất dưới thời HLV Park Hang-seo, lại đang có vấn đề nghiêm trọng. Việt Nam thường xuyên mất tập trung và có xu hướng thủng lưới trước các tình huống tạt bóng hoặc đá phạt cố định.
Trong những tuần qua, hẳn chiến lược gia người Hàn Quốc đã rất nỗ lực để bịt các lỗ rò và tổ chức lại hàng thủ. Việc các nhân tố quan trọng như Tiến Dũng, Đình Trọng có thể trạng tốt cũng mang đến những tín hiệu vui. Nếu trong thời gian dài chúng ta gây ra sự bế tắc trong khâu ghi bàn cho người Nhật, cơ hội cho những đợt phản công sẽ đến. Oman và Saudi Arbia đã có bàn thắng vào các phút 71 và 88, khi các cầu thủ Nhật tỏ ra nóng vội, mệt mỏi và mắc sai lầm.
Đêm nay Việt Nam có thể khiến Nhật Bản thở dốc một lần nữa. Và làm cả đất nước tự hào.
Theo HẢI THANH (Nhân Dân)