Nhiều cơ hội cho nhân lực Việt Nam trước thềm CPTPP

09/04/2018 - 10:08

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam và tạo ra hàng triệu việc làm cho các lao động trong thời gian tới.

Dệt may, giày da, điện tử… vẫn thu hút nhiều lao động

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết CPTPP đã chính thức được ký kết, mở ra kỷ nguyên mới về hội nhập quốc tế, đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về chính trị, kinh tế - xã hội, ngoại giao... Theo ông Lộc, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Dệt may dự báo vẫn sẽ là ngành thu hút nhiều lao động khi Việt Nam tham gia vào CPTPP ẢNH: THU HẰNG

Ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án vùng dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cũng cho rằng CPTPP sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam cũng như lợi ích cho tất cả các nhóm thu nhập. CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong các ngành may mặc, da giày, điện tử…, đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ. Đây là xu hướng mà Việt Nam cần quan tâm thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết: “Thống kê qua trang tuyển dụng trực tuyến Vietnamworks những năm gần đây, các ngành có nhu cầu cao vẫn là thủy sản, hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, dệt may và da giày... Đây là lĩnh vực thu hút lao động (LĐ) cao nhất hiện nay".

Doanh nghiệp tham gia cải thiện nguồn nhân lực

Thế mạnh của Việt Nam là nguồn LĐ dồi dào và ổn định, nhưng theo bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), chất lượng nguồn LĐ của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm phải bàn như: Tỷ lệ LĐ trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, LĐ có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác.

“Doanh nghiệp tăng cường tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người LĐ. Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp cũng phải được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”, bà Dung đề xuất.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn LĐ vì đây là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

"VCCI cũng có kết nối cùng Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác với ngành giáo dục trong việc cải cách hệ thống giáo dục. Đặc biệt thay đổi tư duy và phương thức tổ chức giáo dục dạy nghề ở Việt Nam theo 6 hướng đồng hành, hợp tác, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo; tham gia xây dựng giáo trình cùng các trường; tham gia giảng dạy; là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo; kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo; là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn LĐ", ông Lộc nói. Vẫn theo ông Lộc, Bộ LĐ-TB-XH đã có chương trình thí điểm với mục tiêu 100.000 LĐ được đào tạo theo phương thức này.

Để chuẩn bị lực lượng LĐ trước thềm CPTPP, ông Stephan Ulrich nhấn mạnh: “Việt Nam cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo và khởi nghiệp cũng cần cải cách”.

Theo THU HẰNG (Thanh Niên)

 

Liên kết hữu ích