Quang cảnh phiên họp chiều 30/5. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV nghe trình bày các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Thu ngân sách năm 2022 vượt gần 407 nghìn tỷ đồng so với dự toán
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về quyết toán thu ngân sách nhà nước: dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.413.408 tỷ đồng; quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (28,8%) so với dự toán.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Về quyết toán chi ngân sách nhà nước, dự toán là 1.855.641 tỷ đồng; quyết toán là 1.750.790 tỷ đồng, giảm 104.851 tỷ đồng (5,7%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi ngân sách trung ương là 651.408 tỷ đồng, bằng 86,7% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.099.382 tỷ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Đánh giá chung nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể:
Thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, nguồn huy động đóng góp, viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn lực tài chính khác, bảo đảm nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu ngân sách nhà nước không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán, qua đó bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Công tác triển khai chính sách, pháp luật, dự toán ngân sách nhà nước có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ ngân sách nhà nước.
Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm; tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm; thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị; số chi chuyển nguồn tiếp tục phát sinh lớn; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định…
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao
Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện còn tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí từ đó tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác; trên cơ sở đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 3.841 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan kiểm toán, công tác quản lý thu của các cơ quan thuế còn hạn chế, như chưa kiểm tra đủ các loại hồ sơ khai thuế với người nộp; chưa quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử với các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Riêng với xử lý thuế với khoản thu từ thuế, sử dụng đất, Kiểm toán nhà nước chỉ ra tình trạng cơ quan quản lý chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định đối với các trường hợp tổ chức cá nhân được nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. (Ảnh: DUY LINH)
Cạnh đó, chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định. Thậm chí, còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.
Về quản lý nợ thuế, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 tăng 36% so với năm 2021, đạt gần 159 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao.
Việc khoanh, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019, đến ngày 30/6/2023, ngành thuế đã khoanh nợ gần 705 nghìn người nộp thuế, số tiền gần 28.400 tỉ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 390.074 người nộp thuế, số tiền gần 8.800 tỉ đồng.
Tuy vậy, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng khoanh, xóa chưa phù hợp. Một số trường hợp người nộp thuế có ngày thay đổi thông tin gần nhất sau ngày cơ quan hải quan ban hành quyết định khoanh nợ. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị cơ quan thuế, hải quan rà soát việc khoanh, xóa nợ thuế để xử lý theo quy định.
Ở đầu chi ngân sách, số Chính phủ đề nghị quyết toán là hơn 1,75 triệu tỷ đồng, bằng hơn 94% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển được quyết toán hơn 615.600 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước nhận thấy vẫn tồn tại 44 dự án nguồn ngân sách trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022. Sau đó, số dự án này vẫn không giải ngân hết trong năm 2022, phải hủy bỏ với số tiền gần 349 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 611 tỷ đồng hoặc hủy bỏ hơn 1.400 tỷ đồng.
Một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, sử dụng nguồn này chi không đúng quy định. 8 trong số 60 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau số tiền gần 83 tỷ đồng từ nguồn chi chưa đúng này.
Ngoài ra, theo cơ quan kiểm toán, một số đơn vị của các địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định 3.200 tỷ đồng. Kiểm toán nhà nước kiến nghị giảm dự toán năm sau tại 23 địa phương hơn 1.847 tỷ đồng.
Theo VĂN TOẢN (Báo Nhân Dân)